Sau thời gian dài suy giảm và có mức tăng thấp, quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn với kỳ vọng đưa nhóm hàng này tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Cà phê đóng góp tích cực vào tăng trưởng XK của nhóm hàng nông - lâm - thủy sản |
Bộ Công Thương nhận định, quý I tiếp tục ghi nhận sự phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng XK của nhóm hàng nông - lâm - thủy sản khi đã đạt 5,46 tỷ USD, tăng 12,5%, chiếm 12,5% tổng kim ngạch XK. Mức tăng trưởng của nhóm hàng này đã góp phần tích cực giúp kim ngạch XK của nhóm doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2016, ước đạt 12,33 tỷ USD.
Giá tăng là lý do chính làm gia tăng kim ngạch XK của tất cả các mặt hàng thuộc nhóm này. Cụ thể, giá XK cao su đã tăng 90,6%; giá XK cà phê tăng 25,6%; gỗ tăng 13%... so với cùng kỳ năm 2016. Thậm chí, một số mặt hàng sụt giảm về lượng như hạt điều, sắn… cũng có sự tăng giá đáng kể. Đáng chú ý, kim ngạch XK mặt hàng thủy sản quý I vẫn tăng 6% (cao hơn so với quý I/2016 là 4,6%) mặc dù gặp phải một số rào cản thương mại ở một vài thị trường.
Bộ Công Thương đang chủ trì nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tổ chức lại sản xuất, XK đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu từng thị trường. |
Xác định nông - lâm - thủy sản là một trong những nhóm hàng thế mạnh, còn năng lực bứt phá, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh XK nhóm hàng này. Cụ thể, với nhóm hàng thủy sản, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục vận động phía Australia sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm nấu chín của Việt Nam. Trong thời gian lệnh cấm vẫn còn hiệu lực, đề nghị Australia sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Australia. Ngoài ra, đôn đốc phía Australia sớm cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam khảo sát, đánh giá chuỗi nuôi tôm an toàn dịch bệnh của Việt Nam để đẩy nhanh quá trình công nhận Việt Nam là vùng sạch bệnh.
Với mặt hàng gạo, tiếp tục các biện pháp thúc đẩy XK sang Trung Quốc thông qua phối hợp triển khai có hiệu quả Nghị định thư giữa hai nước về kiểm dịch thực vật đối với XK gạo. Trước mắt, xúc tiến các thủ tục mời cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc kiểm tra, đánh giá năng lực và cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh XK gạo của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường để bù đắp những khó khăn khi XK gạo sang các thị trường truyền thống. Trong trung và dài hạn, đẩy mạnh nâng cao quy trình sản xuất lúa gạo của Việt Nam để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu về chất lượng sản phẩm từ các thị trường.
Riêng với mặt hàng rau, quả, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của các nước nhập khẩu nhằm đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) và cấp phép nhập khẩu chính thức cho một số mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam vào các thị trường trong năm 2017. Cụ thể, trái xoài vào Hoa Kỳ; măng cụt, bưởi da xanh, na, chanh leo, roi, dừa vào Trung Quốc; vải, nhãn vào Nhật Bản; vú sữa, chôm chôm, chanh leo, vải và nhãn vào Hàn Quốc…
Phương Lan / baocongthuong