Nguồn tin của ICTnews cho hay trong tuần này, thêm một mạng di động ảo sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam. Mạng di động này cung cấp trên hạ tầng mạng di động của VNPT, tương tự mạng di động ảo của Đông Dương Telecom.
Mạng di động sắp ra mắt sẽ cung cấp trên mạng tầng mạng di động của VNPT giống như mạng di động ảo của Đông Dương Telecom.
Mạng di động ảo sắp ra mắt thuộc công ty cổ phần của các đối tác Việt Nam mua buôn lưu lượng của VNPT để bán lẻ đến khách hàng. Mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) sẽ được cấp phép đầu số mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Như vậy đây là mạng di động ảo thứ 2 tại Việt Nam sau Đông Dương Telecom cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 25/4/2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom đã ra mắt dịch vụ viễn thông di động đầu số 087 (mạng di động ITelecom). Đông Dương Telecom là doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình mạng di động ảo tại Việt Nam bằng việc ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn VNPT để sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone. Đông Dương Telecom đã tung ra thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai.
Ông Lưu Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Đông Dương Telecom cho biết, mạng di động ảo bước chân vào thị trường di động Việt Nam sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động có hạ tầng như VinaPhone. Việc bán lại lưu lượng là phương thức hiệu quả để chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, mạng di động ảo có thể đem đến những mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các mạng di động ảo đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, ITelecom đã đánh dấu bước quan trọng trong thị trường mua sỉ lưu lượng và bán lẻ cho người sử dụng. Việc hợp tác ITelecom và VNPT sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường di động, và hơn ai hết, khách hàng được sử dụng những dịch vụ mới, gói cước phù hợp với nhu cầu của mình.
Hồi năm 2010, Bộ TT&TT cũng đã cấp phép cho một số mạng di động ảo như VTC, FPT... Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. Thời điểm đó, VTC Digicom (công ty con của VTC) cho biết, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ngoài EVN Telecom, VTC sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác để mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng - những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa vươn đến được. FPT tuy được cấp phép mạng di động ảo nhưng lúc đó không đưa ra kế hoạch kinh doanh và hợp tác với các nhà mạng có hạ tầng.
Tại thời điểm đó, Bộ TT&TT cho biết, mạng di động ảo không có băng tần riêng mà phải sử dụng hạ tầng và băng tần của các mạng di động khác. Vì vậy, quan điểm của Bộ TT&TT là không khống chế số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện, Bộ sẽ cấp phép.
Mạng di động ảo là gì?Theo định nghĩa trên Wikipedia, mạng di động ảo, tiếng Anh là Mobile Virtual Network Operator (MVNO) là mạng di động mà nhà cung cấp không sở hữu hạ tầng mạng lưới nhưng cung cấp dịch vụ di động tới khách hàng. Một nhà cung cấp mạng di động ảo bước vào thị trường với việc thỏa thuận với một nhà mạng di động để mua lưu lượng truy cập dịch vụ mạng với giá cả gói, sau đó cung cấp dịch vụ với giá bán lẻ riêng. Sự ra đời của MVNO mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động. Việc bán lại lưu lượng là phương thức hiệu quả để chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, MVNO có thể đem đến những mạng lưới bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các MVNO đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này. Mô hình MVNO xuất hiện từ những năm 1990 khi thị trường di động Châu Âu có sự chuyển động mạnh mẽ. Dù mạng 2G mới thời đó đã được quản lý hiệu quả hơn trong việc cấp băng tần cho các nhà mạng, thì những nhà mạng mới vẫn khó có băng tần trong một phổ tần số hạn chế. Những giới hạn về phổ tần sóng điện từ đã làm hạn chế số lượng nhà khai thác di động thực. Để giải quyết vấn đề này, mô hình mới về khai thác dịch vụ di động dựa trên các Nhà khai thác mạng di động ảo đã ra đời. Khi cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp mạng di động ảo có thể triển khai riêng đội ngũ chăm sóc khách hàng, hệ thống tính cước, hay đội ngũ marketing và bán hàng... |