Năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca ung thư mới, hơn 122.000 người tử vong do bệnh này, các chuyên gia cho rằng già hóa dân số, ít vận động, ăn uống không hợp lý... là nguyên nhân.
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, số ca mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng, không riêng Việt Nam. Các nước phát triển như Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, số ca mắc mới và tử vong do ung thư tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Hiện nay, chỉ 185 trong 204 quốc gia báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư. Năm 2020, Việt Nam ở vị trí 92/185 về tỷ suất mắc mới và vị trí 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này năm 2018 là 99/185 và 56/185, tức Việt Nam tăng 7 bậc so với trước.
Ung thư phổ biến ở nam giới Việt là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến, chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư. Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan, chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư. Chung cho cả hai giới, các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Một bệnh nhân được kiểm tra đường tiêu hóa tại Bệnh viện K. Ảnh: Hà Trần.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng nhanh, lãnh đạo Bệnh viện K cho biết ung thư là bệnh lý do nhiều yếu tố phối hợp. Nhìn chung là hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gene...).
Già hóa dân số: Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, trung bình 73,6 tuổi. Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Dân số tăng: Dân số Việt Nam gần 97,8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên, dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư.
Rượu bia, thuốc lá: Các yếu tố về hành vi lối sống là hút thuốc lá - nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi; lạm dụng rượu bia - nguyên nhân gây ung thư miệng, họng, gan, vú, đại trực tràng...
Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc...), thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối... gây ung thư vú, thực quản, đại trực tràng.
Ít vận động: Thói quen ít vận động là nguyên nhân ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Môi trường sống: Vấn đề ô nhiễm không khí và môi trường được cảnh báo là yếu tố gây ung thư.
Nhận thức người dân tốt hơn về việc chủ động khám tầm soát ung thư: Nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư được nâng cao, người dân quan tâm hơn đến khám sức khỏe, tầm soát sàng lọc ung thư sớm phát hiện bệnh.
Một nguyên nhân nữa chính là hệ thống ghi nhận ung thư tốt hơn. Như vậy, nhiều bệnh nhân mắc và tử vong được ghi nhận lại, dẫn tới số ghi nhận tăng. Tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện bệnh nhiều hơn.
Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí. Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.
Điều trị ung thư phối hợp nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội... Việt Nam cập nhật rất nhanh các phương pháp điều trị tiên tiến, kỹ thuật mới như xạ trị VMAT, IMRT, phẫu thuật nội soi, robot, xạ phẫu Gamma Knife; ứng dụng các thuốc mới trong điều trị, hiệu quả cao.