Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, so với Hà Nội, TP HCM, ngành dệt may miền Trung đang đứng ở vị trí rất thấp, đó là chưa kể đến các thị trường quốc tế vì các doanh nghiệp (DN) chủ yếu thực hiện các hợp đồng gia công cho nước ngoài.
Trước thềm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi các DN một mặt phải nỗ lực đổi mới công nghệ, minh bạch thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặt khác phải đề ra chiến lược phát triển thị trường, nguồn cung nguyên vật liệu, kế hoạch tiếp cận thị trường... mới có thể tận dụng tốt nhất cơ hội lớn do TPP mang lại.
Chiếm thị phần nhưng đang... "ngủ đông"
Ngành dệt may miền Trung có bước phát triển rõ rệt và hiện có số lượng DN dệt may chiếm hơn 6% số DN dệt may cả nước. Riêng Đà Nẵng có hơn 60 DN dệt may, trong đó, khoảng 20 DN tham gia xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Đà Nẵng năm 2014 là 270 triệu USD, tăng gần 15% so với năm 2013 và chiếm 25 % trên tổng kim ngạch xuất khẩu của TP, nhưng chỉ chiếm chưa đến 1,2% so với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may.
Ngoài một số DN dệt may hình thành từ lâu, quy mô tương đối lớn như Tổng Cty CP Dệt may Hòa Thọ, Cty CP Dệt may 29/3, Cty CP Dệt may Hòa Khánh và một số DN FDI thì số DN dệt may mới hình thành tại Đà Nẵng có quy mô nhỏ. Nguyên do chính là Đà Nẵng không chọn phát triển các ngành thâm dụng lao động (LĐ) như ngành dệt may mà ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít LĐ, ít gây ô nhiễm môi trường nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ông Herb Cochran - GĐ điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho rằng, để hưởng được thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sản phẩm vào các nước TPP, ngành dệt may miền Trung phải vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật và yêu cầu khắt khe, trong đó, việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định.
Một may mắn đối với ngành dệt may Việt Nam là đối thủ đáng gờm Trung quốc không tham gia "sân chơi" TPP nên bớt được một đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hiệp định TPP, các DN dệt may phải sử dụng nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước trong khối TPP. Đây là vấn đề nan giải với ngành dệt may Việt Nam. Thế nhưng, một thực tế tồn tại là khả năng chủ động nguồn nguyên liệu sợi của các DN dệt may trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất may mặc, phải nhập một lượng nguyên liệu rất lớn vải và sợi từ Trung Quốc.
Nhiều DN may mặc quy mô nhỏ tại Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế thừa nhận, hiện nay Trung Quốc vẫn đang là đối tác được các DN nhập khẩu nguồn nguyên liệu do khả năng cung cấp nguồn hàng lớn cũng như giá thành rẻ. Trong khi đó, đầu tư vào công đoạn sản xuất nguyên liệu, họ phải bỏ ra rất nhiều tiền, khả năng thu hồi vốn chậm nên nhiều DN không mặn mà.
Đó là chưa nói, ngành dệt may Việt nam nói chung và miền Trung nói riêng dù đạt doanh thu lớn nhưng đa số theo phương thức "ghi công" cho nước ngoài nên hiệu quả và giá trị thật không cao.
Đánh thức
"Sân chơi" TPP sẽ tạo nên làn sóng đầu tư lớn trong ngành dệt may kéo theo nhu cầu về LĐ chất lượng cao. Ông Nguyễn Diễn - Phó GĐ Thường trực Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng - cho biết, chi phí đắt đỏ cả về thuê mặt bằng, chi phí LĐ và khó tuyển được LĐ tại các tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... nên nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư về các tỉnh có nguồn LĐ dồi dào hơn, với chi phí nhân công thấp hơn.
Trong khi các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, TT - Huế, Quảng Trị các loại chi phí này thấp và nguồn LĐ tương đối dồi dào nhờ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất LĐ trong nông nghiệp, nông thôn thì việc các nhà đầu tư về dệt may trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các tỉnh này hoàn toàn có thể dự đoán được. Chính quyền các tỉnh này cũng rất muốn thu hút đầu tư dệt may vào địa phương để giúp tạo việc làm cho LĐ dôi ra từ nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, điều lo ngại là phần lớn DN trong nước đều ở quy mô nhỏ, không xuất khẩu trực tiếp, chỉ chuyên gia công lại và làm vệ tinh cho các DN xuất khẩu lớn tại khu vực miền Trung.
Vài năm qua, số lượng DN may mặc đã tăng lên nhanh chóng tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam do các nhà đầu tư trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đầu tư. Hiệp định TPP giữa 12 nước Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... là những thị trường nhập khẩu hàng dệt may rất lớn và các nước này sẽ hạ ngay thuế suất nhập khẩu mặt hàng dệt may từ các nước thành viên TPP khác xuống 0% ngay khi TPP có hiệu lực thi hành.
Điều này sẽ tác động mạnh đến làn sóng dịch chuyển các đơn hàng dệt may từ các nước có ngành dệt may phát triển như Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan (không là thành viên TPP) sang Việt Nam, đồng thời cũng tác động đến việc các nhà đầu tư từ các nước ngoài TPP sẽ đến đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Ông Diễn cho rằng, trước bối cảnh đó, các DN dệt may miền Trung cần phải chủ động tìm hiểu các nội dung liên quan trong TPP, nhất là quy định trong các chương về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Dệt may để có thể biết được lộ trình giảm thuế xuất khẩu hàng dệt may vào các nước thành viên, Quy tắc xuất xứ cụ thể cho từng mặt hàng và những ngoại lệ... Từ đó đề ra chiến lước phát triển cho DN, xây dựng kế hoạch mặt hàng, thị trường, nguồn cung nguyên vật liệu, kế hoạch tiếp cận thị trường ... để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội do TPP mang lại.
Hiện nay, ngoài một số ít DN dệt may có quy mô lớn tại Đà Nẵng và các tỉnh ở miền Trung đã có sự chuẩn bị bước đầu để đón bắt cơ hội này. Trái lại, nhiều DN quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công nên dường như còn thờ ơ trước cơ hội do TPP mang đến, phụ thuộc vào khách hàng nhập khẩu từ khâu nhập khẩu nguyên vật liệu đến khách hàng, thị trường...
Ông Hồ Sỹ Tân - Phó GĐ Công ty Kad Industrial S.A Việt Nam - cho rằng, ngay từ bây giờ, ngành dệt may miền Trung cần đầu tư cơ sở sản xuất vải, nguyên phụ liệu đảm bảo đủ nguồn cung. Hai là, đầu tư công nghệ mới, hiện đại, tăng năng suất LĐ, tăng khả năng cạnh tranh. Ba là, chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị đội ngũ CN lành nghề đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm. Và cuối cùng là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Riêng xuất xứ hàng hóa, cần đảm bảo lộ trình Yard forward (từ sợi đến sợi) để đảm bảo nguồn cung cho vải và phụ liệu.
Với tư cách là đơn vị đầu tư nước ngoài FDI mà hàng hóa xuất khẩu 100% sang thị trường Mỹ, ông Tân nhận thấy kinh nghiệm khai thác hiệu quả thị trường này là kênh tiếp thị, thiết kế mẫu mã phù hợp nhiều đối tượng khách hàng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại với nhiều hình thức mà chủ yếu là qua mạng Internet và lập đại diện thương mại tại Mỹ.
"Khi Hiệp định TPP có hiệu lực thuế suất vào Mỹ đối với hàng may mực từ 17% còn 0%. Đây là một cơ hội rất lớn để hàng dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị các vấn đề như đã nói ở trên để góp phần giữ vị thế thị trường" - ông Tân cho hay.
Đến cuối 2015, các DN dệt may miền Trung đã rục rịch mở rộng thị trường, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, như Tổng Cty CP Dệt may Hòa Thọ, từ năm 2012 đã đầu tư 2 vạn cọc sợi để tăng sản lượng sợi, đầu tư cơ sở may các mặt hàng cao cấp như veston, quần áo nam cao cấp, bên cạnh đổi mới công nghệ, tăng cường công tác quản lý... để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời chủ động khai thác nguồn sợi từ các nước tham gia TPP... Nhờ vậy, sản lượng sợi của Hòa Thọ đã đạt 15.000 tấn (năm 2015) và cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dệt vải làm nguyên liệu cho nhu cầu may sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, do thị trường truyền thống lâu năm của TCty Hòa Thọ là Mỹ, Nhật Bản, EU và đây đều là những đối tác có yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật nên phía DN trong nhiều năm qua đã có nhiều sự cải tiến, điều chỉnh bắt buộc để đáp ứng yêu cầu từ đối tác nên dự báo khi tham gia TPP, DN sẽ có nhiều thuận lợi để tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm. Hay Cty CP Dệt may 29 tháng 3 cũng đã chủ động ký kết hợp tác lâu dài với các đơn vị cung cấp sợi trong nước nên đã có nguồn hàng ổn định.
Tại Quảng Nam, năm 2015, Cty Rio Industries đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất sợi chỉ Tây An tại huyện Duy Xuyên với vốn đầu tư 6 triệu USD. Nhà máy này khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ ni-lông và các loại chỉ may công nghiệp khác với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2015....
Dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” của TPP
Theo Nhiệt Băng / Lao Động