Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20% suốt 10 năm qua, quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 không còn phù hợp. Do đó, việc quy hoạch lại ngành rất cần thiết, tạo nền tảng vững chắc để phát triển.
Ngành Da giày tăng trưởng mạnh trong năm 2015 |
Thặng dư cao
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2015, ngành Da giày Việt Nam đạt 14,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng giày dép đạt 12 tỷ USD, túi xách đạt 2,9 tỷ USD. Khối doanh nghiệp (DN) FDI vẫn chiếm phần áp đảo trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành với 9,55 tỷ USD tăng 20%, DN Việt Nam đạt mức tăng trưởng thấp hơn từ 7-8%. Năm 2015, thị trường Mỹ vượt lên đứng ở vị trí dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu của ngành với 43%, đạt 5,1 tỷ USD; EU giữ vị trí thứ 2, tăng 20%, đạt 4,4 tỷ USD.
“Trong tổng số 14,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành Da giày đã thu về 7 tỷ USD thặng dư, đây mới thực sự là kết quả đáng ghi nhận” - bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso – cho biết: Ngay sau khi Việt Nam đàm phán xong một số hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức đầu tư cho mở rộng sản xuất của DN FDI ngày một tăng. Kim ngạch nhập khẩu da thuộc và máy móc, thiết bị của ngành năm vừa qua tăng đáng kể với 9% và 28% cho thấy, việc đầu tư phát triển sản xuât của doanh nghiệp đang mở rộng.
Cơ hội từ các hiệp định thương mại đã thu hút lượng đơn hàng lớn về Việt Nam. Năm 2016, ngành Da giày dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng giày dép khoảng 15%, túi xách, ô, mũ khoảng 13%.
Quy hoạch lại - yêu cầu cấp thiết
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự sẵn sàng đón nhận cơ hội từ hội nhập của DN FDI cao hơn DN trong nước. Năng suất lao động của khối DN này cao hơn nhiều DN Việt Nam. Bình quân một lao động của DN FDI sản xuất được 2.000 đôi giày/năm, trong khi đó lao động DN trong nước chỉ đạt 1.500-1.600 đôi.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất giày dép đã thay đổi nhanh chóng, tỷ lệ dùng da làm mũi giày đã giảm 50% thay vào đó là dùng mũ giày, sản xuất đế giày không dùng công nghệ ép, dán cao su mà chuyển sang dùng khuôn đế. “Những công nghệ mới này tạo ra năng suất lao động rất cao cho DN FDI. DN trong nước không bắt kịp, sẽ rất nhanh chóng bị đào thải, nhất là trong bối cảnh DN Việt Nam chỉ còn khoảng 5 năm chuẩn bị” - ông Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, quy hoạch phát triển ngành Da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã không còn phù hợp, cần định hướng lại quy hoạch phát triển cho ngành. Ông Thuấn đề xuất: Nên quy hoạch từ giai 2015-2020 một nhịp; nhịp hai là giai đoạn 2020-2025. Chiến lược mới, tập trung vào hai mũi cơ bản: Sản xuất nguyên nhiên phụ liệu và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, cần có 3-4 cụm công nghiệp chuyên biệt cho ngành để có thể tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả trong phát triển chuỗi cung ứng, tạo ra sự liên kết phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Bộ Công Thương đã giao Vụ Công nghiệp nhẹ xây dựng kế hoạch, đề nghị Lefaso phối hợp thực hiện, nhằm xây dựng quy hoạch mới phù hợp hơn, tạo nền tảng cho ngành phát triển. |
(Việt Nga - Báo Công Thương)