Trước những biến chuyển nhanh và khó lường, đối ngoại Việt Nam đã uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược để thích ứng, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước, xây dựng Tổ quốc.
Từ sau Đại hội Đảng XIII đến nay, thế giới trải qua những biến động lớn, chưa có tiền lệ, đặt ra các thách thức phức tạp nhất đối với hòa bình, ổn định và phát triển kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (5/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế".
Nửa nhiệm kỳ nhìn lại: Vận dụng sáng tạo "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Đánh giá về công tác đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kết quả bao trùm là củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển KTXH; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Đường lối đối ngoại Đại hội XIII được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ và bài bản. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại trong tình hình mới.
Lần đầu tiên, Hội nghị đối ngoại toàn quốc được tổ chức (12/2021) đánh giá toàn diện công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới, quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII đến toàn hệ thống chính trị và toàn dân.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng với hai nước. Ảnh: TTXVN
Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có khoảng 170 hoạt động đối ngoại cấp cao, trong đó hơn 30 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt, hơn 80 điện đàm/hội đàm trực tuyến; tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến.
Việt Nam đã đón hơn 30 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và nhiều tổ chức quốc tế. Thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 3 nước, nâng tổng số quốc gia Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 192 nước.
Vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm tiếp tục được củng cố, nâng cao. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ; trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025...
Các nước đánh giá cao lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở Châu Phi và đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nước ta đã xử lý đúng đắn nhiều vấn đề quốc tế phức tạp tại các cơ chế đa phương quan trọng...
Ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KTXH. Ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các hiệp định thương mại tự do đã ký để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, nối lại xuất khẩu lao động...
Năm 2022, xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu hút hơn 22 tỷ USD vốn FDI...
Chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc BV dã chiến 2.4 vừa trở về sau nhiệm kỳ thành công tại Nam Sudan. Ảnh: Cục GGHB Việt Nam
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đối ngoại còn góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Xử lý kịp thời, đúng đắn với các vụ việc xâm phạm chủ quyền biển đảo, thúc đẩy đàm phán phân định biển với những nước liên quan. Kiên quyết đấu tranh, xử lý tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung vận động, thu hút nguồn lực và kết nối kiều bào với quê hương; chăm lo, hỗ trợ kiều bào ta ổn định và phát triển ở sở tại.
Công tác bảo hộ công dân được đẩy mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và bảo đảm an toàn cho công dân ta ở nước ngoài. Cụ thể, sơ tán 6.000 công dân tại Ukraine; đưa về nước hơn 1.644 trên 6 chuyến bay, đưa về nước 2.000 người bị dụ dỗ, lừa đi làm việc ở Campuchia, Philippines; bảo hộ, hỗ trợ thủ tục về nước cho trên 1.800 ngư dân bị các nước bắt giữ, xử lý.
Bộ trưởng Ngoại giao lần nữa khẳng định, công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII đến nay đã được triển khai chủ động, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại; phối hợp chặt chẽ các trụ cột đối ngoại, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác, giữa đối ngoại cấp cao và đối ngoại các cấp, các ngành, giữa song phương và đa phương....
Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ cũng đã phân tích: "nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong việc kế thừa, phát huy sức mạnh của trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"; thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, trước những biến chuyển nhanh và khó lường của tình hình quốc tế, đối ngoại đã uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo và cơ động trong sách lược để thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái”. Nhờ đó, Việt Nam vừa giữ vững được tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và xây dựng Tổ quốc, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, nhân ái, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm.
Tình hình quốc tế trong thời gian tới tiếp tục biến động phức tạp, có cả mặt thuận và không thuận, cơ hội đan xen với thách thức, đặt ra những yêu cầu nặng nề, phức tạp hơn cho đối ngoại.
Thấm nhuần bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam” đối ngoại tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển KTXH, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, thời gian tới trọng tâm là:
Tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại; đẩy mạnh quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn. Phát huy hơn nữa vai trò, đảm nhận tốt trọng trách tại diễn đàn đa phương. Triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả ngoại giao kinh tế để góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH.
Giải quyết tốt vấn đề biên giới bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đổi mới, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại; xây dựng, triển khai chính sách tổng thể, lâu dài về phát triển bền vững cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tích cực bảo hộ công dân.
"Điều cuối cùng rất quan trọng là đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đối ngoại tương xứng với thế và lực mới của đất nước.
Không ngừng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại các cấp về bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới", Bộ trưởng chia sẻ.