Nhiều ngày qua, giá lúa tại Hậu Giang liên tục tăng cao. lẽ ra nông dân sẽ được hưởng lợi nhưng trái lại họ “mất” tiền tỷ do đã nhận tiền đặt cọc trước của thương lái. Ngoài ra, giá lúa tăng gần đây người dân không được hưởng lợi còn do phần lớn lúa đã thu hoạch và bán hết trước đó.
Càng vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân, giá lúa ở Hậu Giang càng tăng mạnh. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Theo nhiều nhà nông tỉnh Hậu Giang, ít khi giá lúa càng cuối vụ lại tăng cao như năm nay. Tính đến thời điểm này, giá lúa tăng gần 1.000 đồng/kg so với đầu vụ, nhưng phần tăng chênh lệch này lọt vào túi thương lái hoặc “cò lúa”.
Ông Võ Văn Cao, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, lâu nay người dân tỉnh này thường bán lúa qua trung gian “cò lúa” hoặc lấy tiền đặt cọc trước từ thương lái. Bởi nhiều năm qua, giá lúa trên thị trường đứng ở mức thấp, có thời điểm không tìm ra thương lái để bán. Tâm lý lo sợ không tiêu thụ được, lúa tồn đọng làm giảm chất lượng, nên cứ gần ngày thu hoạch người dân lấy tiền đặt cọc trước. Dù vậy, vẫn có người không bán được, vì không ít thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc khi giá lúa xuống thấp.
Thế nhưng ở vụ lúa đông xuân năm nay thì ngược lại, giá lúa liên tục tăng cao ở cuối vụ, nhiều hộ mất hàng triệu đồng do nhận tiền cọc trước. Cụ thể, hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với giá khoảng 5.400 đồng/kg, lúa khô hơn 6.000 đồng/kg, tăng gần 1.000 đồng/kg so với đầu vụ và cũng là giá lúa cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước đó người dân nhận tiền đặt cọc thương lái từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, thấp hơn giá lúa hiện tại khoảng 1.000 đồng/kg.
Nhiều người dân bức xúc nói, người trồng lúa ở tỉnh còn lệ thuộc rất lớn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Chẳng hạn, khi làm đất, gieo sạ cũng phải chờ theo đợt, vì máy móc cơ giới ít trong khi người cần thuê nhiều. Không ít nơi muốn thuê máy thu hoạch lúa cũng phải qua cò. Thường cò lúa đứng ra nhận cò cả cánh đồng lúa và trực tiếp giao dịch với chủ máy gặt đập liên hợp, do đó người dân có muốn thuê máy cắt riêng lẻ cũng chẳng được. Hơn nữa, do điều kiện vận chuyển khó, không thể đưa máy vào thu hoạch từ những diện tích nhỏ theo hộ gia đình, đây là điều kiện cho “cò lúa” đứng ra làm trung gian giao dịch ăn phần trăm với chủ máy, chủ lúa.
Theo tính toán của ngành chức năng, với phần hưởng lợi từ việc giá lúa tăng chênh lệch mỗi ký cả nghìn đồng, riêng vụ lúa đông xuân này nông dân tỉnh Hậu Giang mất đi hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng huyện Phụng Hiệp, có khoảng 10.000 ha lúa nông dân bán thông qua cò, chịu thất thu hơn 20 tỷ đồng.
Mặc dù trước đó tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, nắm bắt thông tin theo phản ánh của người dân, nhất là tình trạng cò lúa cố tình ép giá, làm giá... nhưng chưa phát hiện vụ việc nghiêm trọng. Còn việc nhà nông nhận tiền cọc trước, đây là hình thức mua bán theo phương thức tự thỏa thuận bên bán, bên mua. Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp có hình thức thu mua hợp lý nhằm giúp người dân giảm thiệt hại thấp nhất.
Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 80.000 ha, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay bất lợi, mặn, khô hạn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến năng suất, làm giảm sản lượng lúa cả vụ hơn 55.000 tấn so với cùng kỳ. Ngoài thất thu năng suất, chịu lỗ từ nhận tiền cọc trước nên phần lớn nông dân tỉnh này không được hưởng lợi nhiều từ giá lúa tăng gần đây.
(Theo Báo Tin tức)