Tạp chí PLoS Biology mới công bố một danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của John Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ).
Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả và lọc ra top 100.000 người ưu tú nhất.
Việc sử dụng dữ liệu trích dẫn đã trở thành phổ biến trong các nghiên cứu và truyền thông ngày nay. Tuy nhiên, dữ liệu trích dẫn luôn có một số khó khăn nhất định để có thể sử dụng chúng như một thước đo mức độ tác động của một nghiên cứu hay sự xuất sắc của một nghiên cứu hoặc một nhà khoa học.
GS. Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Trần Xuân Bách có mặt trong top các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới
Nghiên cứu “A standardized citation metrics author database annotated for scientific field” của John P. A. Ioannidis và cộng sự đã chỉ ra rằng hiện nay không có cơ sở dữ liệu quy mô lớn nào xếp hạng một cách có hệ thống xếp hạng đủ “sâu” về tất cả các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong mỗi lĩnh vực khoa học.
Ví dụ: Google Scholar cho phép các nhà khoa học tạo hồ sơ của họ và chia sẻ công khai, nhưng không phải tất cả các nhà nghiên cứu đã tạo hồ sơ.
Clarivate Analytics cung cấp cho mỗi năm một danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong thập kỷ qua, nhưng chương trình này sử dụng phân loại khoa học thô chỉ trong 21 lĩnh vực và thậm chí danh sách mở rộng mới nhất chỉ bao gồm khoảng 6.000 nhà khoa học, tức là, ít hơn 0,1% tổng số người đồng tác giả các bài báo học thuật.
Hơn nữa, trong các bảng xếp hạng hiện có đều không cơ chế loại trừ việc tự trích dẫn của các nhà khoa học.
Để khắc phục những vấn đề này, nhóm nghiên cứu tạo ra một cơ sở dữ liệu có sẵn công khai gồm 100.000 nhà khoa học hàng đầu cung cấp thông tin được chuẩn hóa từ dữ liệu Scopus dựa trên xếp hạng của họ về chỉ số tổng hợp xem xét sáu số liệu trích dẫn (tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index; chỉ số hm-index; số lượng trích dẫn cho các bài viết với tư cách là tác giả duy nhất; số lượng trích dẫn cho các bài viết là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên và số lượng trích dẫn cho các bài viết là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng).
Các nhà khoa học được phân loại thành 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Trong bảng dữ liệu các trích dẫn trong năm 2017, bảng dữ liệu đã cho thấy hiệu suất nghiên cứu của các nhà khoa học trong cùng năm. Cùng với đó, bảng dữ liệu này có ưu điểm lớn nhất là đã loại bỏ những việc tự trích dẫn của nhà khoa học (việc một số ít các nhà khoa học tự trích dẫn ồ ạt làm cho số lượng trích dẫn trở lên thiếu đi sự ý nghĩa vốn có của nó).
Đáng lưu ý là trong bảng xếp hạng này có hơn 40 nhà khoa học Việt Nam, chủ yếu là các GS gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, như GS Dang, Chi V, ĐH Pennsylvania (Hoa Kỳ, xếp thứ 280); GS Đàm Thanh Sơn , ĐH Chicago (Hoa Kỳ, 2648); GS Nguyen, Nam-Trung của ĐH Griffith (Úc, 4595); GS Võ Dinh Tuan, ĐH Duke, Hoa Kỳ, 15709);
GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California tại Santa Barbara (Hoa Kỳ, 19282); GS Nguyễn Sơn Bình, ĐH Northwestern (Hoa Kỳ, 22482); GS Phan, Sem H. của ĐH Michigan (Hoa Kỳ, 23062); PGS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Sejong, Hàn Quốc, 25.269);
GS Nguyen Hung T, ĐH Công nghệ NSW (Úc, 33215); GS Nguyễn Văn Tuấn, viện Garvan (Úc, 39062); GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Hoa Kỳ, 45612); GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Hoa Kỳ, 69.063); …
Mới có một số rất ít các nhà khoa học trong nước có tên trong danh sách này, tiêu biểu như PGS.TS Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội, 28.129), chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng. PGS Bách từng là người trẻ nhất Việt Nam được công nhận chức danh PGS năm 2016 khi mới 32 tuổi, và ông được vinh danh là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2016.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội (51.083) – ông là chuyên gia về Cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Cơ học của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán của Đại học Tôn Đức Thắng (74339). Năm 2017, PGS Trung đã được Đại học Tôn Đức Thắng tặng thưởng danh hiệu “Nhà khoa học đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học” và Giải thưởng Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement)…
Sự có mặt của các nhà khoa học xuất sắc trong nước, tuy còn ít ỏi, trong bảng xếp hạng này đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học Việt Nam đang từng bước khẳng định và hội nhập với các chuẩn mực của quốc tế.
Theo Hồng Hạnh / Dân Trí