Việt Nam hiện đang được áp thuế tự vệ trong ngành thép đối với phôi thép là 23% và giảm dần 1-2% mỗi năm trong vòng 04 năm. Đến tháng 3/2020 thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam sẽ giảm về 0%. Những doanh nghiệp tự sản xuất được phôi thép sẽ có lợi như: HPG, VIS, TIS…
Ảnh minh họa |
Ngành thép vẫn nhập siêu nhiều
Năng lực sản xuất thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ. Một số sản phẩm thép xuất khẩu cao như: tôn mạ và sơn phủ màu, ống thép, thép cán nguội.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều quặng sắt, than mỡ, thép phế, HRC (thép tấm cuộn cán nóng), thép hợp kim, thép chế tạo...
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thép thành phẩm năm 2017 sẽ tăng trưởng 12% so với năm 2016, trong đó: Thép xây dựng : 11%, sản lượng 9,6 triệu tấn; Thép lá cuộn cán nguội : 13%, sản lượng 4,1 triệu tấn; Thép ống hàn : 15%, sản lượng 2,3 triệu tấn; Tôn mạ và sơn phủ màu : 12%, sản lượng 3,8 triệu tấn.
Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Việt Nam đánh thuế thép nhập khẩu 15%, tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế bằng cách làm thép hợp kim nên thuế thép này chỉ còn 0% làm cho giá thép Trung Quốc đã rẻ càng rẻ hơn tràn vào Việt Nam. Tháng 6/2016, Bộ Công Thương ra
Quyết định bảo hộ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Do đó, thuế thép nhập khẩu vào Việt Nam đến năm 2020 mới về 0%.
Mỗi năm, mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm từ 1-2% và giảm về 0 trong tháng 3/2020 nếu không có quyết định gia hạn.
Các doanh nghiệp sản xuất phôi như HPG, TIS, VIS… được hưởng lợi mạnh mẽ, trong khi những doanh nghiệp thép xây dựng nhỏ với công nghệ chưa cao, phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phôi thép bị đánh thuế tự vệ 23%.
Đối với sản phẩm tôn mạ kẽm, Bộ Công Thương cũng đang áp thuế nhập khẩu từ 19-38% cho các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế này được thực thi theo Quyết định 1105/QĐ – BCT, áp dụng từ tháng 4/2017, có thời hạn 05 năm.
Dòng tôn mạ màu cũng đã được áp thuế từ 2017-2020, mức thuế 19%, hạn ngạch 380-460 nghìn tấn.
Tại thị trường xuất khẩu, sản phẩm tôn mạ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Thái Lan (4,3-60,2%) và Malaysia (4,5-13,68%), thời hạn 5 năm từ 2017 - 2021.
Các thị trường Úc và Indonesia cũng đang tiến hành điều tra chống bán cho các sản phẩm này.
Hưởng lợi từ việc áp thuế tự vệ, tính từ 22/05/2016 đến nay, giá cổ phiếu ngành thép đã tăng trung bình hơn 46,6%, vượt trội so với các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, dầu khí, ngân hàng…
Nguồn: VietinbankSc |
TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết năm 2016, năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam khoảng 12 triệu tấn/năm và nhập khẩu 1,2 triệu tấn chủ yếu từ Trung Quốc. Trong những năm tới, tăng trưởng ngành thép của Việt Nam chỉ khoảng 8%. Malaysia và Thái Lan trước đó đứng đầu ngành thép Đông Nam Á trong thời gian tới đã không tăng sản lượng mà giảm nhẹ, Việt Nam tiêu thụ 22 triệu tấn thép, Thái Lan tiêu thụ 16 triệu tấn, Indonesia chỉ 14 triệu tấn với mức tăng trưởng 2-3% thì tăng trưởng 8% của Việt Nam là ấn tượng.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2017, cả nước sản xuất được trên 7,8 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 12%. Tiêu thụ 6,4 triệu tấn, tăng 7,2%.
Giá thép sẽ không giảm sâu
Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép đã giảm rất sâu từ cuối năm 2014 - 2015, đến năm 2016 có tăng lên 2016 nhưng thất thường. Một điều chắc chắn là giá thép không quay lại như năm 2014 - 2015.
Nguyên nhân, sự phát triển quá nóng của ngành thép Trung Quốc khiến Chính phủ nước này hỗ trợ doanh nghiệp thép xuất khẩu ra thế giới năm 2014 là 93 triệu tấn, năm 2015 là 112 tiệu tấn (trong khi năng lực sản xuất thép của Mỹ chỉ trên 80 triệu tấn/năm, cả Châu Âu mới sản xuất trên 100 triệu tấn). Doanh nghiệp ngành thép của Trung Quốc đã lỗ 5-6 tỷ USD năm 2014 và lỗ 15 tỷ USD năm 2015. Tuy nhiên, nhiều năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn dắt thép thế giới. Nên việc để giá thép rơi xuống như năm 2014 - 2015 sẽ không xảy ra.
Đối với ngành thép Việt Nam, nếu như năm 2016, các doanh nghiệp ngành thép có bước nhảy vọt về sản lượng lẫn lợi nhuận, năm 2017 không có con số ấn tượng như vậy và chỉ số tăng trưởng năm 2017 là 12% so với 19-20% năm 2016.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Thép Nam Kim (NKG), cho biết năm 2014 và năm 2015 giá nguyên liệu thép biến động không ngừng khi giá thép năm 2014 là 500 USD/tấn giảm còn 280 USD/tấn năm 2015, nhưng biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành thép như: HPG, NKG, HSG vẫn được cải thiện. Năm 2017, biên lợi nhuận có thể không bằng năm 2016, các doanh nghiệp bắt buộc phải mở rộng thị trường.
Không nên quá dựa vào áp thuế tự vệ
Theo ông Phạm Mạnhh Hùng, Tổng giám đốc NKG, tôn mạ màu có 3 năm áp thuế 9%. Với mức áp thuế tự vệ cho tôn mạ màu 3 năm ở mức 9%, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng tôn mạ bán ở thị trường nội địa 300-400 nghìn tấn/năm. Sau khi hết thuế tự vệ, Bộ Công Thương đang triển khai thuế chống bán phá giá với tôn mạ màu. Nam Kim cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất tôn mạ màu công suất 120 nghìn tấn/năm để nắm bắt cơ hội này.
Theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ, Quỹ đầu tư Dragon Capital, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá mà Việt Nam áp lên thép Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn.
Tại thị trường Việt Nam, tính đến cuối 2015 và giữa năm 2016, thép Trung Quốc chiếm 15-20% về phôi thép và thép xây dựng, tôn mạ và tôn màu chiếm 50%. Điều này rất nguy hiểm khi Trung Quốc khống chế ngành thép Việt Nam thì họ sẽ tăng giá và người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại.
Nếu không áp thuế tự vệ nhiều doanh nghiệp thép trong nước như: HPG, HSG, NKG… vẫn sống tốt, nhưng có thuế tự vệ họ sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc trong 2-3 năm tới vì được chuẩn bị công nghệ và tiềm lực tốt.
Bên cạnh đó, năm 2016, ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn) của nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc ở mức 10-15%, doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam có ROE tới 30-50%. Những năm tới ROE của doanh nghiệp thép Việt vẫn 30-40%.
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSc, thuế tự vệ không phải là vĩnh viễn và giảm dần đến năm 2020, nhưng đây là khoảng thời gian giúp cho doanh nghiệp thép “duy tu bảo dưỡng” lại năng lực của mình để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.
Khi các doanh nghiệp thép trong nước có dây chuyền khép kín sẽ giúp biên lợi nhuận tốt hơn. Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng để đối mặt với áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, thuế tự vệ chỉ là tạm thời.
Hoàng Anh / BizLIVE