Nhu cầu phụ tải đầu tháng 5 cũng có thể giảm đi, do có tới 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1/5.
Nhiều tỉnh đang phải cắt điện luân phiên vì cả nước đang thiếu điện. Thế nhưng, EVN lại giảm sản lượng các nguồn nhiệt điện chạy dầu.
Sẽ thêm 5 triệu kWh/ngày nhưng vẫn thiếu điện
Theo ông Nguyễn Vũ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, từ 19/4, hệ thống điện đã giảm khai thác sản lượng từ các nguồn nhiệt điện dầu theo thứ tự về giá.
Ông nói, có nhiều nguyên nhân khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm huy động nguồn phát điện chạy dầu. Trong đó, phải kể đến lý do đầu tiên là khả năng tăng sản lượng phát điện trên hệ thống của nguồn thủy điện.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc có mưa cục bộ vừa qua nên lượng nước về các hồ thủy điện đã tăng lên. Trên thực tế, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện Hoà Bình trung bình từ ngày 19/4 - 27/4 đã đạt mức 229% so với các ngày đầu tháng 4.
Tháng 4, ngoại trừ nhà máy Cần Thơ, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu khác (Thủ Đức, Ô Môn, Hiệp Phước) được huy động khá cao với tổng sản lượng tính đến ngày 20/4 khoảng 324 triệu kWh, tăng 35% so với cùng kỳ tháng 4/2009.
Từ ngày 12/4, thực hiện tiết giảm điện năng, các nhà máy chỉ huy động khoảng 131 triệu kWh.
Nhờ đó, mặc dù đã đặt mục tiêu “khống chế” mức phát điện dưới 50 triệu kWh/ngày của 20 nhà máy thủy điện thì vừa qua, nguồn thủy điện đã có lúc phát tới gần 70 triệu kWh/ngày.
Bên cạnh đó, việc mua điện từ Trung Quốc đã có tín hiệu tích cực. Từ đầu tháng 4, phía Trung Quốc đã chấp nhận bán cho Việt Nam 10 triệu kWh/ngày. Và trên thực tế, tính đến ngày 20/4, hệ thống điện quốc gia đã nhận từ phía Trung Quốc khoảng 14 triệu kWh/ngày.
Phía Tập đoàn EVN dự kiến, với tình hình thời tiết thuận lợi hơn, trong 10 ngày đầu tháng 5, việc huy động sản lượng điện trung bình mỗi ngày sẽ nâng thêm được 5 triệu kWh, lên mức 275 triệu kWh/ngày và sẽ nâng tiếp 280 triệu kWh/ngày trong 5 ngày tới.
Nhu cầu phụ tải đầu tháng 5 cũng có thể giảm đi, do có tới 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1/5. Do đó, các nguồn nhiệt điện dầu nếu có huy động cũng sẽ không chạy liên tục đầy tải được.
Tuy nhiên, trao đổi với PV VietNamNet, Trưởng ban Kinh doanh, EVN nhấn mạnh, cung cầu điện vẫn chưa hết căng thẳng. Do tình hình thủy văn tốt lên, thủy điện cũng phát vượt mức khống chế 2-3 triệu kWh/ngày nhưng mức đóng góp đó không “thấm” vào đâu so với mức thiếu hụt điện năng được dự báo là từ 10-15 triệu kWh/ngày.
Bởi thế, đến thời điểm tháng 5, ngoại trừ Hà Nội, các đơn vị điện lực trên toàn quốc vẫn đang phải tiết giảm điện và thực hiện lịch cắt luân phiên.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty điện lực miền Bắc khẳng định, hiện nay, chưa nhận được chỉ đạo nào từ phía EVN trong việc “bớt” tiết giảm điện. Và việc huy động sản lượng điện vẫn phải nằm trong giới hạn phân bổ của Tập đoàn.
Giảm sản lượng điện chạy dầu để giảm lỗ
Theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu huy động nguồn 4 tháng đầu năm nay, các nguồn điện giá thành cao như nhiệt điện dầu chiếm 6%, tua bin khí chạy dầu chiếm 1%. Thủy điện chỉ đóng góp có 19% cho hệ thống điện quốc gia, trong khi bình thường phải là 35-40%.
Vì sao đang thiếu điện mà hệ thống điện lại giảm khai thác sản lượng chạy dầu, một chuyên viên của EVN cho hay, cuối tháng 4, đầu tháng 5, một số tổ máy các nhà máy chạy dầu phải ngừng vận hành 5-7 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa.
Ví dụ như tổ máy S1 của nhiệt điện Ô Môn phải ngừng từ 19/4 để xử lý kẹt bộ lọc rác bình ngưng và kẹt bộ xông gió quay sau thời gian vận hành liên tục
Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chạy dầu đều đã huy động cao, đặc biệt tháng 4, nguồn chạy dầu đã huy động tối đa. Ví dụ như nhiệt điện Thủ Đức huy động 63 triệu kWh, nhiệt điện Ô Môn: 120 triệu kWh, nhiệt điện Hiệp Phước khoảng 144 triệu kWh.
“Với việc chạy liên tục như vậy, nên tới thời điểm này, không tránh khỏi lịch sửa chữa, bảo dưỡng của nhà máy. Tuy vậy, mức giảm sản lượng điện chạy dầu sắp tới không đáng kể, chỉ vài trăm nghìn kWh/ngày so với trước đây”, vị chuyên viên này cho biết.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia trong ngành điện phân tích, không loại trừ yếu tố EVN giảm sản lượng chạy dầu để… giảm lỗ.
Giá nhiệt điện chạy dầu hiện nay lên tới 4.000- 5.000 đồng/kWh, trong khi, giá bán điện bình quân quí I của EVN chưa đến 1.000 đồng/kWh.
Rõ ràng, càng huy động sản lượng điện chạy dầu thì EVN sẽ càng lỗ. Riêng năm 2009, vì phải phát điện chạy dầu, EVN đã bị phát sinh chi phí sản xuất điện lên tới 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đây còn là bài toán kinh doanh, điều hành sản xuất của ngành điện. Hồ thủy điện tăng được mực nước thì ngành điện cũng không huy động tòan bộ nguồn thủy điện ngay trong thời gian này mà còn để dành nước cho thời điểm phụ tải tăng cao sắp tới, khi nền nhiệt độ tăng đỉnh điểm vào tháng 6.
Tương tự, nguồn điện điện chạy dầu nếu cứ “nhắm mắt” huy động đầy tải mà không cho sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy, đến lúc phụ tải tăng tột độ mà tổ máy trục trặc thì càng gay go hơn.
(Theo Phạm Huyền - Vietnamnet)