Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có tờ trình Chính phủ về triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, bộ này thể hiện rõ lo ngại về việc chỉ định thầu.
Lo cảnh 1 nhà đầu tư tham gia
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có tờ trình Chính phủ về triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Theo tờ trình, giai đoạn 1 của dự án (2017-2020) sẽ triển khai đầu tư ba đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư hơn 118.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 55.000 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư hơn 63.700 tỷ đồng.
Cao tốc Bắc - Nam đang được gấp rút triển khai. Ảnh minh họa: L.Bằng |
Liên quan đến chuyện góp vốn, Bộ GTVT cho rằng để tăng tính khả thi trong huy động nguồn vốn theo yêu cầu của các ngân hàng, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, bộ này kiến nghị tăng vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án với tỷ lệ 25% tổng vốn đầu tư (trước đây là 10-15%).
Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng tính đến kịch bản chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Khi ấy, theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì trường hợp này có thể áp dụng chỉ định thầu.
Thế nhưng Bộ GTVT lo ngại điều này “khó có thể đảm bảo mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Bộ này cho rằng: Việc chỉ định thầu nhà đầu tư sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 52 của Quốc hội cũng như ý kiến Thủ tướng Chính phủ đã kết luận là “lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh”.
Vì thế, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận trường hợp chỉ một nhà đầu tư trúng sơ tuyển thì sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định như đối với trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư theo yêu cầu tại Nghị quyết số 52 của Quốc hội.
Đối với nhà đầu tư không thu xếp được nguồn vốn tín dụng, làm chậm tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung quy định “Hợp đồng dự án sẽ hết hiệu lực nếu sau ba tháng nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án”. Trong trường hợp này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định như đối với trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư.
Ngăn nhà đầu tư “tay không bắt giặc”
Theo quy định tại Nghị định 15 về hợp tác công tư, nhà đầu tư cần có tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư (với phần vốn dưới 1.500 tỷ đồng) và tối thiểu 10% (với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng). Thời gian qua, các ngân hàng thường chỉ cho nhà đầu tư vay đầu tư dự án BOT tương ứng với 85% tổng vốn đầu tư. Còn gần đây, các ngân hàng có yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư.
Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 15 cũng quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tăng thêm 5% (lên 15-20%). Việc nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao sẽ đảm bảo dự án càng khả thi về huy động vốn tín dụng. Tuy nhiên, Bộ GTVT lo ngại điều này dẫn đến tăng chi phí vốn đầu tư do tỷ suất lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu thường cao hơn lãi vay ngân hàng.
Vì vậy, để tăng tính khả thi trong huy động vốn vay theo yêu cầu của các ngân hàng, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tính toán báo cáo nghiên cứu khả thi với tỷ lệ vốn chủ sở hữu bằng 20% tổng vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể đề xuất tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu khi dự thầu.
Bộ GTVT cho hay, dự án BOT đường bộ thường có mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động từ 11,5-14%. Trung bình 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 11,77%. Trong quá trình đàm phán, các nhà đầu tư kiến nghị tăng mức lợi nhuận này nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận.
Thực tế, pháp luật chưa quy định cụ thể về xác định mức lợi nhuận của nhà đầu tư tính toán trong phương án tài chính để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cho nên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận xác định mức lợi nhuận là 11,77% khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu. Còn mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư xác định thông qua đấu thầu.
Lương Bằng / Vietnamnet