Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo VASEP, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất.
Nguồn ảnh: WorldFishing |
Các nhà sản xuất tôm nội địa của Mỹ đã đạt được một chiến thắng gần đây khi tòa phúc thẩm liên bang ủng hộ một quyết định của Bộ Thương mại Mỹ nhằm thay đổi cách đánh giá lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cuối tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên các quan chức Mỹ phải sử dụng một quốc gia áp dụng có nền kinh tế tương tự để định giá.
Trong những năm trước, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã sử dụng mức giá từ Bangladesh. Tuy nhiên, trong năm nay, một nhóm chủ tàu và người chế biến thủy hải sản tại Mỹ đã phàn nàn, trích dẫn những hành động trừng phạt của chính phủ Mỹ nhằm vào Bangladesh vì có hành vi ngược đãi người lao động. Mang tên Ủy ban hành động thương mại tôm Mỹ (AHSTAC), nhóm này đã khởi kiện và dẫn đến việc tòa án ra lệnh tái thẩm định quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
Khi xem xét lại, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã chọn đánh giá hàng nhập khẩu của Việt Nam dựa trên dữ liệu tiền lương từ Ấn Độ, cho rằng nước đông dân thứ hai trên thế giới không có tình trạng ngược đãi lao động trong ngành tôm như người hàng xóm của mình.
Quyết định này có nghĩa là một số nhà nhập khẩu tôm tại Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá cao hơn đối với tôm nhập khẩu trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2/2013. Mức thuế chống bán phá giá đã tăng từ 1,16% lên 1,42%.
Hiện tại, AHSTAC cũng đang kêu gọi hành động tương tự đối với tôm nhập khẩu từ một năm trước, Nathan Rickard, một luật sư đại diện của nhóm này cho biết.
Các công ty nhập khẩu tôm vào Mỹ phải chi một khoản kí quỹ bằng tiền mặt, để chính phủ Mỹ thu thuế chống bán phá giá. Bộ Thương mại Mỹ tiến hành các cuộc đánh giá hành chính như trên theo định kỳ để cập nhật và đánh giá các mức thuế chống bán phá giá. Rickard cho biết cuộc đánh giá tiếp theo dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm tới. Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, ông cho biết AHSTAC sẽ thúc giục các quan chức Bộ Thương mại Mỹ từ chối so sánh Bangladesh cho việc áp thuế trong tương lai.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu 1,56 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu của VASEP.
Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo VASEP, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Mạnh Đức
Nguồn Seafood Source