Tình trạng doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu có thể sẽ chấm dứt trong thời gian tới khi Nghị định mới về chào bán trái phiếu mới được Chính phủ ban hành. Theo đó, doanh nghiệp phải thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước khi phát hành mới.
Quy định về phát hành trái phiếu được siết chặt hơn nữa với Nghị đuyết 153 mới ban hành. Ảnh minh họa: TTXVN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó quy định cụ thể điều kiện chào bán trái phiếu.
Trong đó, với quy định về việc chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Đối với hoạt động chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất. Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện gồm có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.
Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.
Trước đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp phat hành trái phiếu Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP để tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong đó, có một số điểm mới về điều kiện phát hành trái phiếu và việc công bố thông tin phát hành như dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất. Ngoài ra, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin; cập nhật thông tin và kiểm soát chặt chẽ hơn cả thị trường sơ cấp và thứ cấp
Nghị định mới cũng đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ khi nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân, và đồng thời đưa ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu.