Lãi suất huy động đã có chiều hướng tăng ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và cả ngân hàng có vốn của nhà nước từ nửa năm sau 2015 và đặc biệt là vào những tháng cuối năm, làm tăng áp lực lên lãi suất cho vay từ hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp trong nước.
Mặt bằng lãi suất năm 2016 diễn biến thế nào so với năm 2015 chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng cung tiền bao nhiêu so với năm 2015 mà không phá vỡ mục tiêu lạm phát 5%. Ảnh: THÀNH HOA
Tuy vậy, ngày 24-12-2015, trong cuộc họp báo tổng kết hoạt động ngành ngân hàng năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho biết: “Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm 0,2-0,5% qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Tiếp đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2016 tổ chức ngày 25-12-2015, NHNN cho biết thêm rằng: “Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011”.
Những tín hiệu trái chiều
Cả hai thông điệp trên đều tạo ra cảm giác rằng năm 2015 lãi suất cho vay đã thực sự giảm nhiệt so với năm 2014 nhờ những giải pháp điều hành tiền tệ đồng bộ của NHNN (không nói đến so sánh khá kỳ khôi của NHNN giữa lãi suất của năm 2015 với lãi suất của năm 2011 là năm có lãi suất rất cao do lạm phát cũng ở mức rất cao).
Trong khi đó, nhìn từ các yếu tố cơ sở hình thành nên lãi suất thì thấy đã có những yếu tố lẽ ra làm lãi suất năm 2015 phải tăng hơn so với năm 2014.
Về phía cung tiền, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21-12-2015 tăng 13,55% so với cuối năm 2014. Về phía cầu tiền, tăng trưởng tín dụng tăng 17,02% so với cuối năm 2014. Hai con số tương ứng này vào năm 2014 là 15,65% và 14,16% so với cuối năm 2013.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng trong khi cung tiền đã giảm mạnh trong năm 2015 (từ 15,65% năm 2014 xuống còn 13,55% năm 2015) thì cầu tiền lại tăng mạnh trong năm 2015 (từ 14,16% năm 2014 lên 17,02% năm 2015). Từ thực tế diễn biến ngược chiều của cung và cầu tiền theo hướng cung tiền bị thắt chặt hơn còn cầu tiền thì được nới lỏng hơn như thế, lẽ ra lãi suất năm 2015 đã phải tăng so với năm 2014, ngược lại với kết luận của NHNN đưa ra bên trên.
Thêm nữa, thực tế diễn biến tăng lên của lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015 cũng chính là hệ quả của việc mất cung cầu về tiền như vậy. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trong năm 2015 thì lẽ ra lãi suất cho vay cũng bị chịu áp lực tăng, chứ khó có thể giảm như NHNN công bố.
Nếu cố gắng tìm một yếu tố nào đó có thể giải thích được việc lãi suất cho vay đã thực sự giảm đi như NHNN công bố thì đó chỉ có thể là tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi (bên cạnh các biện pháp mang tính hành chính, ví dụ như yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ theo lãi suất hiện hành, duy trì trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng...).
Cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể trong năm 2015, từ 3,22% tính đến hết tháng 12-2014 xuống còn 2,72% tính đến 30-11-2015. Theo lý thuyết, các ngân hàng thương mại không cần phải giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lớn như trước đây mà vẫn bảo toàn được lợi nhuận nhờ cắt giảm được chi phí dự phòng nợ xấu. Nhờ cắt giảm nợ xấu nên mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn có dư địa để giảm đi. Dẫu vậy, ảnh hưởng của yếu tố này là không rõ ràng vì không có nhiều ngân hàng có thiện chí, chủ động cắt giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay theo kiểu “làm từ thiện” nếu cầu tín dụng vẫn còn quá lớn như hiện tại.
Và rất tiếc là vẫn chưa có báo cáo nào cho thấy mức chênh lệch cho vay và huy động trung bình trong toàn hệ thống đã giảm đi trong năm 2015 so với năm 2014 để làm hậu thuẫn cho công bố của NHNN về chuyện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm.
Trên hết, cần lưu ý rằng nợ xấu giảm mạnh (trên sổ sách và báo cáo) có phần lớn nguyên nhân là do các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và dùng đó để xử lý nợ xấu. Điều này có nghĩa là tỷ lệ nợ xấu giảm đã đi kèm theo cái giá phải trả là lợi nhuận ngân hàng bị bào mòn, càng làm cho các ngân hàng không có động cơ (tự nguyện) cắt giảm lãi suất cho vay nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận không bị suy giảm, và do đó càng khó có cơ sở để đồng thuận rằng mặt bằng lãi suất đã giảm đi trong năm 2015.
Kỳ vọng mặt bằng lãi suất tương tự năm 2015
Trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 18-20%, có lẽ là tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với năm 2015. Về phía cung, NHNN không đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong năm 2016. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết thêm một số định hướng về các biến số khác liên quan đến lãi suất trong năm nay, đó là giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành, phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%...
Từ những dữ liệu hữu hạn nói trên có thể thấy NHNN đã để ngỏ biến động của tỷ giá, một trong những biến số quan trọng nhất liên quan đến lãi suất. NHNN đã chuyển sang cơ chế tỷ giá mới linh hoạt, không còn những cam kết “cứng” về mức biến động cho phép trong cả năm như trước đây nên tỷ giá hoàn toàn có khả năng tăng mạnh hơn (tiền đồng mất giá mạnh hơn) trong năm nay so với năm 2015. Như vậy, kết hợp với lạm phát mục tiêu đứng ở mức khá lớn, ở ngưỡng 5%, so với lạm phát thực tế năm 2015, NHNN sẽ có khá nhiều dư địa để tăng cung tiền nhằm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Lưu ý rằng yếu tố tích cực tạo hậu thuẫn cho việc giảm lãi suất cho vay (nếu có) trong năm 2015 - giảm tỷ lệ nợ xấu - sẽ không còn nhiều dư địa để phát huy tác dụng trong năm nay. Bởi tỷ lệ nợ xấu, theo báo cáo, hiện đã ở mức thấp, dưới cả mức mục tiêu 3% mà NHNN đặt ra trước đây. Do đó, việc tiếp tục hạ thấp thêm tỷ lệ nợ xấu trong năm nay sẽ vừa không dễ thực hiện, vừa gây cản trở đến khả năng tăng trưởng tín dụng vì các ngân hàng thương mại sẽ phải thận trọng trong cho vay hơn nữa. Nếu có giảm được áp lực tăng lãi suất cho vay từ khía cạnh này thì chỉ có thể là do việc giải quyết nợ xấu từ VAMC được tăng cường, nhờ đó một phần nợ xấu được phục hồi và hoàn trả lại cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, còn quá sớm để kỳ vọng một bước ngoặt về vấn đề này ngay trong năm nay, và trong khi đó, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục phải trích lập dự phòng 20% giá trị nợ xấu như năm 2015.
Tóm lại, mặt bằng lãi suất năm 2016 này diễn biến thế nào so với năm 2015 chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng cung tiền bao nhiêu so với năm 2015 mà không phá vỡ mục tiêu lạm phát 5%. Đến đây, một yếu tố quan trọng khác xuất hiện - giá dầu và giá hàng hóa cơ bản thế giới. Nếu giá cả những hàng hóa cơ bản này vọt tăng trở lại và đứng ở mức cao thì lạm phát ở Việt Nam sẽ chịu thêm áp lực tăng, bên cạnh yếu tố tăng cung tiền. Nhưng hiện tại khả năng này là tương đối thấp nên nhìn chung vẫn có thể kỳ vọng một mặt bằng lãi suất tương tự như năm 2015, với xác suất nhỏ hơn cho khả năng lãi suất giảm đi so với năm 2015, và xác suất nhỏ hơn nữa cho khả năng lãi suất tăng lên so với năm 2015
Theo Minh Ngọc / TBKTSG