Bên lề buổi công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, tác giả của Báo cáo là Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi trả lời phỏng vấn và cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2017 là điều cần suy nghĩ.
Ngày 16/3 mới đây, trường Đại Học Kinh tế Quốc Dân đã công bố thành quả nghiên cứu hàng năm của mình là Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, với nội dung đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng năm 2017.
Bên lề buổi công bố, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi - người trực tiếp đại diện cho trường Đại Học Kinh tế Quốc Dân công bố Báo cáo - đã có một cuộc phỏng vấn bên lề để trả lời những đánh giá của vị này về những vấn đề nóng của kinh tế Việt Nam hiện tại.
Khi được hỏi về câu chuyện vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2017, khi mà Trung Quốc đã bất ngờ trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, Tiến sĩ Lợi đã tỏ ra một chút nghi ngại, tuy nhiên, ông vẫn đưa ra câu trả lời của mình.
Ông đánh giá từ quan điểm khoa học rằng hiện nay, đối với kinh tế Việt Nam, khi nhận vào FDI, thứ chúng ta cần quan tâm không chỉ là lượng thu hút vào nhiều hay ít nữa mà còn là cả chất lượng của dòng vốn FDI ấy nữa.
"Cái mình cần là chất lượng chứ không phải là số lượng. Mục tiêu của kinh tế Việt Nam giờ là hướng tới tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá" - giáo sư Lợi nói.
Ông đưa ra nhận định dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể sẽ không đảm bảo về chất lượng, vì thế dễ dẫn đến làm định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam bị chệch đi.
Tiến sĩ Lợi lý giải rằng tất nhiên, không phải mọi dòng vốn FDI từ Trung Quốc đều đi kèm với chất lượng không đảm bảo, chúng ta không thể đánh đồng dự án tốt và dự án chưa tốt.
"Chất lượng của dòng FDI thì phụ thuộc rất nhiều vào các nước. Nếu dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào thì theo đánh giá của những số liệu thống kê cho thấy rằng là sẽ không đảm bảo về chất lượng", giáo sư Lợi cân nhắc.
Theo ông, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam và có thể mang vào những công nghệ đã cũ kỹ từ lâu năm, những công nghệ dùng nhiều năng lượng, công nghệ hao tốn nhiều nhiên liệu - những điều mà mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường không hề mong muốn.
Trước đó, theo những số liệu thống kê mới nhất thì không phải Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc như mọi năm, mà chính Trung Quốc đang là quán quân đổ vốn vào Việt Nam. Con số sau 2 tháng đầu năm 2017 là 608 triệu USD, chiếm đến 30% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Ngay sau số liệu này được công bố, các chuyên gia đã khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng với tình trạng này bởi uy tín của những nhà đầu tư Trung Quốc từ trước đến nay vẫn thường không được "chấm điểm" cao.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ