Theo phân tích của chuyên gia: "Việt Nam “rất may” vì về cơ bản là nhập siêu xăng dầu. Do đó, giá càng giảm thì Việt Nam sẽ có lợi một chút. Về thất thu ngân sách, sẽ xảy ra nhưng cũng không đáng quan ngại lắm với Việt Nam".
Trong phiên giao dịch hôm 12/1, lần đầu tiên trong 12 năm qua, giá dầu Mỹ rớt xuống dưới 30 USD/thùng. Trước đó một ngày, Morgan Stanley đã đăng một báo cáo tuyên bố giá dầu có thể xuống mức 20 - 25 USD/thùng do đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá.
Đã có nhiều ngân hàng dự đoán giá dầu sẽ giảm xuống 20 USD/thùng. Hồi tháng 9/2015, Goldman Sachs đã khiến thị trường bị sốc khi dự đoán giá dầu sẽ rơi xuống 20 USD/thùng. Thậm chí, trong báo cáo công bố hôm 11/1. Standard Chartered thậm chí còn cho rằng giá dầu có thể xuống 10 USD/thùng.
Giá dầu thấp và “mối nguy” ngân sách
Tại cuộc họp diễn ra vào cuối năm 2015, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2015, Việt Nam đã không lường trước được việc giá dầu thô sụt giảm liên tục, khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam mất hơn 3 tỷ USD. Trong năm 2015, giá dầu dao động ở mức trung bình khoảng 50 USD/thùng. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là những ngày gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục "thủng đáy", xuống dưới 30 USD/thùng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, giá dầu năm 2016 khả năng tác động rất lớn đến ngân sách. Bởi trong năm 2016, trong kế hoạch ngân sách được duyệt vẫn dự toán giá dầu ở mức 60 USD/thùng, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 35 USD/thùng.
Ngoài vấn đề ngân sách và giảm kim ngạch xuất khẩu, giá dầu giảm còn là câu chuyện lớn đối với ngành dầu khí.
Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của PVN giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu từ xuất khẩu dầu thô 1,5 nghìn tỷ đồng. Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, giá dầu theo dự báo có thể xuống 20 USD/thùng sẽ tác động lớn đến ngành dầu khí. Vì thế cân đối ngân sách của ngành dầu khí cần xem xét khẩn trương cho phù hợp.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016, trong đó có tính tới phương án 25-30USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Những giải pháp đã làm rất thành công trong năm 2015 cũng được tính tới như: cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, hay tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế, gian lận thương mại sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay.
Bộ Tài chính cũng lưu ý tới điều hành chính sách về giá cả. Theo đó, nếu giá xăng dầu xuống thì yêu cầu phải điều hành thật tốt để bảo đảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp, chi phí đầu vào của sản phẩm Việt Nam phải giảm theo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Đây là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong tương lai", lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Vẫn có lợi “tí ti"
Ở một góc nhìn khác, tại hội thảo diễn ra ngay trong ngày 13/1, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, đồng USD tăng giá là nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu lao dốc. Nếu USD tăng 1% thì giá dầu giảm 1 USD. Do đó, nếu USD tăng giá 7-10% thì kịch bản giá dầu rơi xuống ngưỡng 20 - 25 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Giá dầu giảm sẽ có nước hưởng lợi, có nước bị thiệt. Trong đó nước xuất khẩu dầu sẽ thiệt hại nhiều và nước nhập khẩu xăng dầu nhiều thì có lợi. Vậy Việt Nam nằm ở đâu? Theo tôi, chúng ta sẽ có lợi “tí ti” khi giá dầu giảm mạnh”, TS Lực nói.
Theo phân tích của vị chuyên gia, Việt Nam “rất may” vì về cơ bản là nhập siêu xăng dầu (năm 2015 nhập siêu khoảng 600 triệu USD). Do đó, giá càng giảm thì Việt Nam sẽ có lợi một chút. Về thất thu ngân sách, ông Lực cho rằng, sẽ xảy ra nhưng cũng không đáng quan ngại lắm với Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, đây là thời kỳ mà phụ thuộc của nền kinh tế vào giá dầu đã giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó, trong trường hợp diễn biến tốt, doanh nghiệp làm ăn khấm khá sẽ bù đắp cho thu ngân sách và tác động tích cực tới nền kinh tế.
"Nói chung nền kinh tế về cơ bản sẽ hưởng lợi. Giá dầu giảm không hoàn toàn là mất hết, do Việt Nam cũng nhập khẩu xăng lớn", ông nói thêm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thậm chí tính toán, với mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm từ 12-13 triệu tấn, giá dầu càng giảm thì Việt Nam càng có lợi và có thể giúp tiết kiệm khoảng 2 - 3 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí đầu vào giảm cũng có lợi cho sản xuất và thúc đẩy chi tiêu trong nước.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận, giá dầu giảm sẽ giúp giảm giá đầu vào sản xuất. Đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.
(Theo Phương Dung - Dân Trí)