Việt Nam là một nước nhập siêu sản phẩm xăng dầu nên sự tụt giảm giá dầu quốc tế có tác dụng cắt giảm chi phí đầu vào cho toàn bộ nền kinh tế, kích hoạt tiêu dùng và sản xuất. Ảnh: UYÊN VIỄN |
Vì Việt Nam là nước nhập siêu sản phẩm xăng dầu, nên rõ ràng giá dầu giảm là điều tốt lành nhiều hơn, chứ không phải là một tai họa, cho Việt Nam nói chung, trái với những trường hợp tiêu cực như Nga, Venezuela và Ảrập Saudi.
Sự may mắn cho ngân sách đến từ giá dầu thấp thoạt nghe tưởng là nghịch lý vì nếu giá dầu giảm thì phần nộp vào ngân sách nhà nước từ những nhà khai thác dầu như Petro Việt Nam sẽ phải giảm theo. Đúng vậy, nhưng sự việc không dừng lại ở đó.
Thứ nhất, đóng góp từ dầu thô vào tổng thu ngân sách nhà nước đã giảm dần trong những năm qua và giảm mạnh hơn trong năm 2015.
Theo số liệu trên báo chí, thu từ dầu thô năm 2012 là 18,9% tổng thu ngân sách; năm 2013 giảm còn 12,1%, năm 2014 còn 10,1% và năm 2015 chỉ còn khoảng 7%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự tụt giảm giá dầu. Điều này rõ ràng là không dễ chịu không chỉ với các doanh nghiệp dầu khí như Petro Việt Nam mà còn với Chính phủ, với ngân sách nhà nước. Nhưng cũng chính thực tế này đã buộc Chính phủ phải có những biện pháp đối phó thích ứng để một mặt là đa dạng hóa nguồn thu và mặt khác là khống chế chi ngân sách.
Kết quả là tổng thu ngân sách không hề bị sụt giảm tương ứng với khoản thất thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô như lo ngại ban đầu. Về chi ngân sách, kết quả khống chế chi ngân sách tuy không được như ý (khi chi tiêu vẫn tăng và thâm hụt ngân sách vẫn ở mức lớn, 5-6% GDP trong các năm qua), nhưng rõ ràng là Việt Nam đã tìm được cách “sống chung với lũ”, thích nghi được với môi trường giá dầu thấp.
Thứ hai, và liên quan đến điều thứ nhất, là dầu mỏ không phải là nguồn tài nguyên dồi dào ở Việt Nam, múc mãi không hết như ở các quốc gia dầu lửa khác.
Đành rằng phải tìm nguồn thu mới hoặc tăng cường khai thác nguồn thu hiện tại để bù đắp thất thu từ dầu, nhưng không nên vì nhân danh chuyện này mà lạm dụng các nguồn thu theo kiểu “tận diệt”. |
Dù giá dầu có đứng ở mức cao như trước đây thì sản lượng khai thác sẽ phải tụt giảm hoặc chi phí khai thác sẽ phải ngày càng cao hơn do phải tăng cường khai thác ở những mỏ xa hơn, điều kiện khai thác khó khăn hơn. Trong bối cảnh như vậy, sớm muộn thì Việt Nam cũng phải tìm cách chuyển mạnh sang tìm kiếm và tăng cường các nguồn thu ngân sách khác.
Tất nhiên là nếu dồn nhân lực, vật lực vào ngành khai thác dầu thô thì Việt Nam có thể kéo dài nguồn cung dầu thô được thêm một thời gian nữa nhờ tăng được trữ lượng khai thác tiềm năng và khả thi. Nhưng thực tế cho thấy những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thì thậm chí sự dồi dào tài nguyên lại trở thành một lời nguyền cho nền kinh tế đó, khi nó tạo ra một nền kinh tế què quặt, phụ thuộc quá nhiều vào những cơn trồi sụt giá cả và nhu cầu trên thế giới. Thực trạng u ám hiện nay ở Nga, Venezuela, Nigeria, Iraq và ngay cả những nước giàu có hơn như Ảrập Saudi là một minh chứng rõ nét cho lời nguyền này.
Nếu Việt Nam đã đổ tiền của vào tăng cường năng lực và sản lượng khai thác dầu thô để rồi gặp phải cơn sốc giá dầu như hiện nay thì đó là một khoản đầu tư quá tồi, tuy là một điều không may mắn (nên nhớ rằng ngay cả trong năm 2015 không mấy ai đã dự đoán đúng được sự thê thảm như hiện nay của giá dầu).
Bởi vậy, có thể nói ngược lại rằng sự không dồi dào về trữ lượng và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn với chi phí cao hơn, cản trở khả năng đầu tư mở rộng khai thác dầu ở Việt Nam lại là một điều may mắn hiện nay khi đã tiết kiệm một nguồn lực kinh tế lớn và được sử dụng vào những ngành khác có lợi thế hơn ở Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế vì thế cũng trở nên cân đối và lành mạnh hơn.
Thứ ba, Việt Nam là một nước nhập siêu sản phẩm xăng dầu nên đương nhiên sự tụt giảm giá dầu quốc tế có tác dụng cắt giảm chi phí đầu vào cho toàn bộ nền kinh tế, kích hoạt tiêu dùng và sản xuất. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn thu ngân sách được đảm bảo trong những năm qua, đúng như phân tích của một số chuyên gia trước lo ngại của dư luận về nguồn thu dầu thô tụt giảm.
Nói tóm lại, giá dầu thô tụt giảm đã tỏ ra hoàn toàn không phải là một mối đe dọa với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng. Nhưng có đôi điều cần nói thêm ở đây là cách thức bù đắp sự thất thu từ khai thác và xuất khẩu dầu ở Việt Nam.
Trước tiên, đành rằng phải tìm cách tìm nguồn thu mới hoặc tăng cường khai thác nguồn thu hiện tại để bù đắp thất thu từ dầu. Nhưng không nên vì nhân danh chuyện này mà lạm dụng các nguồn thu theo kiểu “tận diệt”. Thay vào đó, cần luôn ghi nhớ chuyện dưỡng thu. Chính câu chuyện về giá dầu và thu ngân sách cho thấy nếu chi phí đầu vào cho một ngành nào đó giảm đi thì phần nộp ngân sách sẽ có thể tăng lên mai sau. Trên nghĩa này, đôi khi thay vì tăng thuế phí ở một số ngành để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, phải có những thời gian và biện pháp hạ thuế phí hiện tại để tăng thu trong tương lai.
Điều cần nói khác là đối phó với thất thu từ giá dầu giảm thì không nên chỉ tập trung vào phía thu. Quan trọng không kém là phải có những biện pháp giảm chi tương ứng. Việc này từ trước đến nay xem ra vẫn là một vùng trắng trong hành động của Chính phủ khi với lý do này hay lý do khác, chi ngân sách hàng năm vẫn tăng đều. Giảm chi, chi tiêu hợp lý và đúng đắn hơn không những giảm áp lực nợ công mà còn giúp cho các ngành trong nền kinh tế “dễ thở” hơn khi Chính phủ không phải chăm chăm vào chuyện tận thu để đảm bảo mục tiêu thâm hụt ngân sách.
Bởi vậy, song song với việc lập dự toán thu ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và còn có khả năng giảm xuống nữa, Chính phủ cần “quyết liệt” đặt ra và thi hành mục tiêu cắt giảm chi ngân sách. Những hạng mục nào lãng phí, không hiệu quả, có thể cắt giảm, và đâu là những “lỗ đen” ngân sách… thì đã rõ.
(Phan Minh Ngọc - TBKTSG)