Lần bùng phát dịch thứ hai này đã đẩy ngành du lịch vào đợt suy thoái chưa từng có nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi lãi suất để giải quyết khó khăn.
Du khách nước ngoài tại TPHCM trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Đào Loan
Theo số liệu cập nhật từ Sở Du lịch TPHCM, chỉ có 7 trong 50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ lại suất cho vay sau các buổi làm việc giữa sở với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.
Sở Du lịch nhận định, trong điều kiện quá khó khăn do đợt bùng phát dịch lần thứ hai gây ra, các biện pháp hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp có thể duy trì để có thể hoạt động trở lại sau dịch là quan trọng nhất và cần phải thực hiện ngay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ đúng mức. Chẳng hạn, các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả những nơi chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp.
Cuối tháng 7, sau khi ca bệnh 416 xuất hiện ở Đà Nẵng làm du khách hủy tour hàng loạt, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, kiến nghị cho doanh nghiệp trong hiệp hội được giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ tiếp cận các gói vay ưu đãi nhanh nhất có thể nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Thông tin từ hiệp hội du lịch ở nhiều địa phương khác cũng cho thấy tình hình tương tự. Như ở tỉnh Quảng Nam, trong cuộc họp trực tuyến gần đây với Tổng cục Du lịch, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng cho biết với lần bùng phát dịch này, ngành du lịch Quảng Nam kiệt quệ.
Vì thế, Tổng cục Du lịch cần có kiến nghị để ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi bằng không để dùng tiền trả lương nhân viên. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nên kéo dài đến hết năm nay thì mới có thể hỗ trợ du lịch tồn tại.