Chia sẻ kinh nghiệm 25 năm gây dựng Nam Hải Group trở thành một doanh nghiệp đa ngành, với lĩnh vực chính là sản xuất các sản phẩm từ nhôm, “nữ tướng” Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group nhắc tới nét văn hóa kinh doanh thuần Việt – đó là sẵn sàng thích ứng với thời cuộc.
Nữ tướng không tuổi
Gặp doanh nhân Nguyễn Thị Dung trong giờ nghỉ trưa tại nhà hàng trên tầng 10 “đại bản doanh” của Nam Hải Group, tôi chợt giật mình. Nếu không nói trước, thật khó tin là con gái lớn của bà đã 25 tuổi. Cũng khó tin rằng, người đàn bàn với vẻ ngoài quyến rũ, trẻ trung này đang là nữ tướng của một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng suốt 25 năm qua.
Nhìn lại những gì Nam Hải Group đang có, mọi việc càng trở nên khó tin hơn.
Đó là, sau 20 năm kinh doanh nhôm và cửa nhôm cho các doanh nghiệp nước ngoài, đến năm 2012, Nam Hải đã xây dựng nhà máy EuroHa sản xuất đùn ép nhôm thanh định hình, sơn tĩnh điện, anot, vân gỗ phủ bề mặt với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, cho sản lượng trên 9.000 tấn/năm, tạo việc làm cho gần 500 lao động.
Doanh nhân Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group
Đó là, Tòa nhà Nam Hải Lakeview và cũng là đại bản doanh của Nam Hải Group nằm trong Khu đô thị Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) quy tụ văn phòng của khá nhiều doanh nghiệp, với diện tích lấp đầy gần 100%.
Thực ra, bà Dung kinh doanh từ rất sớm, từ thợ may đến buôn vải và từng có lúc mất trắng vì… cháy chợ. Song, mọi sự bắt đầu khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa.
“Đó là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Tôi loay hoay tìm hướng kinh doanh để lo cuộc sống, thì chồng tôi nói, sao không làm cửa nhôm thay cho cửa gỗ, vì gỗ sẽ hết. Là kiến trúc sư, nên chồng tôi hiểu được xu thế chuyển dịch này”, bà Dung kể.
Vốn sẵn có “máu” kinh doanh ngấm từ gia đình, quyết định dấn thân vào ngành nhôm với cửa hàng đầu tiên tại phố vật liệu xây dựng Cát Linh với cái tên Nam Hải - ghép tên con trai và chồng bà - được quyết định nhanh chóng.
Doanh nhân Nguyễn Thị Dung (thứ ba từ phải sang)
Bà kể, vào thời buổi khó khăn ấy, vốn là thứ quan trọng nhất. “Có lần khó đến mức thiếu tiền nộp thuế để lấy hàng về mà không biết vay mượn ai. Thiếu một ít thôi, nhưng đã vào thế bí bách thì không thể xoay nổi. Chồng có cái nhẫn vàng 2 chỉ, tôi lén mang luôn ra tiệm vàng bán, rồi lờ luôn. Nhiều năm sau tôi mới kể lại chuyện này, chồng tôi cứ cười cách lén lút đó”, bà Dung nhớ lại lúc hàn vy.
Bà Dung tâm sự, nếu không “thuận vợ thuận chồng”, Nam Hải khó có được thành quả của ngày hôm nay.
Nhưng, kinh doanh đâu đơn giản như vậy. Sau biết bao năm gây dựng thành công thị trường nhôm cho các ông lớn nước ngoài, Nam Hải bị “đá văng” khỏi cuộc chơi. “Các đối tác ngoại sau khi đã có thị trường, họ giành lại quyền kinh doanh từ nhà phân phối. Chúng tôi lao đao vì vậy”, bà Dung nói.
Nhưng chính lần thử lửa đó đã tạo nên sức bật mới cho Nam Hải. Năm 2012, bà Dung mua lại một nhà máy tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), bỏ thêm vốn đầu tư dây chuyền sản xuất thanh nhôm và cửa nhôm theo tiêu chuẩn châu Âu với tên gọi EuroHa. Bà giải thích, cái tên ấy hàm ý sản phẩm của Nam Hải đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, nhưng được làm do người Việt và cho người Việt.
Đến giờ, EuroHa đã ghi những dấu ấn nhất định. Với 5 dây chuyền chạy hết công suất, sản phẩm nhôm của EuroHa chiếm khoảng 15 - 17% thị phần vật liệu nhôm và cửa nhôm cả nước và đang trong lộ trình tăng trưởng đến 30%.
Để làm được điều này, Nam Hải sẽ phải tăng quy mô, tăng số lượng lao động. Điều này không làm vị nữ doanh nhân lo lắng, bởi chiến lược phát triển cho Nam Hải đã được xây dựng từ vài năm trước, với mục tiêu trường tồn.
Khát vọng trường tồn
25 năm lăn lộn với nghề, danh tiếng và tiền kiếm được từ kinh doanh đối với vị nữ doanh nhân này là không ít. Vậy nhưng, tài sản quý nhất của bà Dung chính là gia đình hạnh phúc với người chồng luôn yêu thương bà và những người con ngoan, trưởng thành.
“Đến một lúc, người kinh doanh tốn công, tốn sức không phải vì muốn giàu hơn nữa, mà để thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và sự hạnh phúc khi thấy sản phẩm của mình hiện diện và làm đẹp cho những công trình”, doanh nhân Nguyễn Thị Dung nói.
Tôi ấn tượng mãi với vẻ mặt hạnh phúc khi bà Dung kể lần giới thiệu sản phẩm của EuroHa với các đối tác như Tân Hoàng Minh, GFS (chủ đầu tư các dự án thương hiệu bất động sản Fivestar)…, các vị khách hàng này đều quả quyết rằng đây là hàng nhập khẩu.
“Nhiều sản phẩm nhập khẩu được cho là cao cấp do bị đội giá bởi các kênh phân phối, còn thật sự chỉ cùng phân khúc với sản phẩm “3 sao” của chúng tôi. Tôi luôn tâm niệm, nhôm và cửa nhôm của EuroHa là một phần của “tổ ấm”, nên luôn yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nhất. Do đó, chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật ăn, ngủ ngày đêm với dây chuyền, với sản phẩm nhằm đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra đúng với chất lượng cam kết và đảm bảo đúng với cái tâm với nghề”, bà Dung chia sẻ.
”Rất khó để đẩy con ra xa mình, nhìn con ngã mà không nâng. Nhưng, trong kinh doanh, có thua thì mới thấm thía, mới hiểu nỗ lực để cố gắng thành công khó đến chừng nào...„ Doanh nhân Nguyễn Thị Dung Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group |
Khó mà kể hết sự tỉ mỉ trong từng chi tiết như vậy. Bà Dung còn mang cách làm việc này sang cả những lĩnh vực kinh doanh khác của Nam Hải Group. Điển hình là sau khi xây dựng Nam Hải Lakeview Building, bà mở nhà hàng trên tầng 10 của Tòa nhà.
“Tôi không định kinh doanh, mà muốn đem tới một nơi khác biệt, có thể tái tạo sức lao động cho những người luôn bận rộn với những công việc trí óc trong tòa nhà. Nên từng gốc cây, từng tiểu cảnh đều tự tay tôi chọn với chủ ý là tạo nên một không gian thực sự thư giãn, sáng tạo”, bà Dung kể.
Bây giờ thì tôi cũng hiểu thêm phần nào lý do bà Dung ví ngành sản xuất cửa nhôm của bà như một ngành thời trang, luôn đòi hỏi có sản phẩm mới, công nghệ mới. Do đó, lãi từ kinh doanh được bà sử dụng phần lớn cho hoạt động tái đầu tư vào dây chuyền sản xuất và cập nhật công nghệ mới.
“Đây cũng là lý do ngành kinh doanh của chúng tôi là trường tồn. Tôi đã xác định, 25 năm qua là thời gian hình thành và 20 năm tiếp theo sẽ phát triển có lộ trình”, bà Dung lý giải chiến lược phát triển tới đây của Nam Hải Group. Thậm chí, bà còn bật mí lộ trình để Nam Hải Group cũng trường tồn với ngành nhôm.
Bà bảo, trở thành công ty cổ phần, kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài là điều tất yếu nếu muốn doanh nghiệp trường tồn, nhưng phương án mà bà mong muốn, kỳ vọng và đang đặt trọn niềm tin để đưa Nam Hải trường tồn đó là hai người con của mình.
Tự hào về các con, bà kể, ngay khi con gái vào đại học, bà đã định hướng cho các con theo học ngành quản trị, kinh tế và sớm tiếp xúc với kinh doanh. Tốt nghiệp Đại học RMIT Việt Nam, cô con gái được bà giao một công ty phụ trách mảng xây dựng thương hiệu và kinh doanh dịch vụ của Nam Hải.
Quan niệm của vị nữ tướng này, cứ để con cái mình tự bươn chải với đứa con tinh thần này, nếu thành công mới có thể tiếp quản những cái lớn.
“Con gái tôi cũng phải tự hạch toán sao cho hợp lý, hợp lệ, trả lương cho người lao động để chứng minh hoạt động có hiệu quả. Tất nhiên, tôi có những biện pháp khích lệ, động viên, nhưng phải học tập để có kinh nghiệm là chính”, bà nói.
Với góc nhìn của người mẹ, bà Dung thừa nhận, khó khăn nhất là đào tạo chính con cháu của mình.
Bà tâm sự: “Rất khó để đẩy con ra xa mình, nhìn con ngã mà không nâng. Nhưng, trong kinh doanh, có thua thì mới thấm thía, mới hiểu nỗ lực để cố gắng thành công khó đến chừng nào. Song, cho tới thời điểm này, tôi tin những đứa con của mình sẽ đủ sức để đưa Nam Hải Group đi xa hơn”.
Kỳ Thành