Những con lũ tràn về, mang theo phù sa màu mỡ và thủy sản dồi dào trên những cánh đồng ngập nước, tạo nên một bức tranh sống động và đặc trưng của miền tây trù phú.
Miền tây không có vẻ đẹp xanh thẳm với biển, cát và gió như miền trung hay hùng vĩ, kiêu sa như miền bắc, miền tây có vẻ đẹp giản dị như một cô thôn nữ hiền hòa, mộc mạc mà bạn phải cảm nhận và “có duyên” mới thấy hết nét cuốn hút của cô thôn nữ này, để rồi dần dần bạn sẽ yêu cô ấy lúc nào không hay.
Để có được cái nhìn đẹp nhất về miền tây mùa nước nổi, lộ trình theo cung đường N2 – Thạnh Hóa – Tháp Mười – Tràm Chim – Hồng Ngự - Thường Phước – Vĩnh Xương – Búng Bình Thiên – Châu Đốc – Trà Sư – Tri Tôn – chợ Tịnh Biên được coi là lý tưởng nhất.
Đồng Tháp Mười
Tháp Mười nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km về hướng nam, ngoài con đường quốc lộ 1A quen thuộc, đi theo cung đường N2 từ hướng An Sương - Củ Chi giúp lữ khách có thể ngắm nhìn những cánh đồng ngập nước hai bên đường vào mùa lũ.
Cánh đồng sen rộng bát ngát hút hồn du khách. Ảnh: Phan Lộc.
Chạy xe khoảng 3 tiếng thì đến trung tâm huyện Tháp Mười, tiếp tục đi theo con đường 845 thì sẽ gặp những cánh đồng sen bạt ngàn nơi đây. Xa xa là những cánh đồng sen hiện ra lung linh, lấp lánh dưới nắng với bạt ngàn những búp sen hồng phấn xen lẫn lá xanh tuyệt đẹp. Đến đây, lữ khách có thể đi ghe vào giữa đồng sen, hoặc người chèo hộ, để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp giữa đồng sen bao la nơi đây.
Vườn quốc gia Tràm Chim
Sau khi nghỉ trưa tại đồng sen, từ Tháp Mười, chạy theo đường tỉnh lộ 844 khoảng 40km thì sẽ đến vườn quốc gia Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp, với diện tích 7313 ha, nơi đây là nhà của hơn 130 loài chim quý. Tràm Chim đẹp nhất vào mùa nước nổi, khoảng tháng 11, 12, thời điểm từng đàn chim bay về kiếm ăn, săn mồi trên nhưng cánh đồng nước mênh mông được phủ một màu vàng của hoa điên điển, màu tím hoa sung, màu xanh rừng tràm… Lữ khách nên đến đây trước 4h, vì thời gian tham quan trên ghe cả đi và về mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Tràm Chim đẹp huyền bí khi trời chạng vạng. Ảnh: Phan Lộc.
Đến với Tràm Chim vào lúc chạng vạng đem lại một trải nghiệm vô cùng thú vị, xen lẫn chút huyền bí khi đi ghe qua những khu rừng tràm nguyên sinh mênh mông, cùng những cánh đồng lúa ma và nghe sự tích hấp dẫn về loài lúa ma nơi đây.
Hai bên sông bạt ngàn lúa ma, hay còn gọi là lúa trời, giống lúa nuôi sống người dân đồng bằng Sông Cửu Long. Gọi là lúa trời vì đây là giống lúa tự mọc, nước dâng đến đâu lúa cao đến đó, lúa cho gạo đặc biệt thơm ngon hơn giống thông thường. Còn tên lúa ma là vì khi đơm bông, chỉ cần ánh sáng lóe lên là hạt rụng ngay, muốn thu hoạch chỉ có thể lặng lẽ về đêm, và cũng không thể gặt một lần như lúa nhân tạo thông thường mà phải dùng thuyền có mái đập dập lúa vào máng thuyền, hạt nào chín thì rụng, sống thì thu hoạch lần sau, lúa ma không chín 1 lần như bình thường. Để bảo tồn giống lúa quý này, Vườn quốc gia chỉ cho phép người dân nơi đây thu hoạch khi có đăng ký. Khách vãng lai có thể trải nghiệm thu hoạch lúa ma vào ban đêm, nghe đờn ca tài tử... sống như người dân sông nước thực thụ.
Búng Bình Thiên
Men theo quốc lộ 30 đi về hướng Hồng Ngự, rồi theo tỉnh lộ 841 chạy thẳng đến cửa khẩu Thường Phước, nơi này lữ khách có thể nhìn thấy đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia chìm ngập trong nước. Từ cửa khẩu Thường Phước, phải đi qua nhiều lần đò để đến Búng Bình Thiên, hay còn gọi là hồ Nước Trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Truyền thuyết kể rằng, ở cuối thế kỷ 18, vào một mùa khô hạn, một viên tướng của nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời đất để tìm nước cho binh sĩ. Khi ông rút gươm đâm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời. Cảm giác đi đò ở miền Tây cũng khá là thích thú xen lẫn chút mạo hiểm khi mỗi lần qua sông là dường như còn đò bị ngập lút trong nước, cứ như sắp chìm vậy. Dọc đường là hình ảnh của những cánh đồng ngập nước ngang thân cây vào mùa nước nổi.
Đồi Tà Pạ
Rời Búng Bình Thiên, cánh đồng Tà Pạ tại Tri Tôn, Tịnh Biên là điểm đến kế tiếp trong hành trình. Trên đường lữ khách sẽ bắt gặp những cánh đồng với hàng thốt nốt xanh mướt đặc trưng của xứ An Giang, màu vàng của nắng chiều còn le lói càng làm cho những cánh đồng trở nên lung linh, rực rỡ, một cảnh sắc mà không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp.
Đồi Tạ Pạ nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 1km, đường lên đồi phải đi ngang qua một ngôi chùa Núi hay chùa Chưn Num theo tiếng Khơ me. Đồi Tà Pạ có độ cao 120m, mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành, trên đồi là một hồ nước với cảnh quang lạ mắt, nước lúc nào cũng có màu xanh ngọc bích. Đi bộ ra chừng 50m, có thể thả tầm nhìn xuống dưới những cánh đồng Tà Pạ rộng miên man, với những hàng cây thốt nốt xanh rì.
Rừng tràm Trà Sư
Khám phá rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm nhấn của hành trình. Với diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Ngồi trên xuồng, lữ khách sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của khu rừng, xung quanh bốn bề được bao phủ bởi một màu xanh với vô số những hàng cây tràm thẳng tít, dưới nước được phủ kín bởi một lớp bèo cám li ti xanh nõn. Song song cùng với tiếng mái chèo rẻ nước là tiếng của những chú chim ríu rít đâu đó trên những ngọn cây tràm, cảm giác lúc này thật bình yên và êm ả.
Du khách sẽ thích thú khi đi xuồng vào sâu trong rừng Trà Sư. Ảnh: Phan Lộc.
Núi Cấm
Đi An Giang mà không đến núi Cấm sẽ là một thiếu sót lớn. Núi nằm cách Trà Sư khoảng 30 phút đi xe máy.
Một điều lưu ý là ban quản lý núi Cấm không cho phép việc tự chạy xe lên núi, nếu muốn thì phải đi xe ôm với giá 40,000 lượt đi, hoặc thuê xe du lịch đi theo đoàn.
Núi Cấm, hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn, có độ cao 705 mét, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn. Có nhiều giả thuyết về tên gọi núi Cấm, trong đó có giả thuyết ngày xưa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải chạy vào núi này nương thân, vì muốn tông tích được giấu kín nên ra lệnh cho các cận thần phao tin trên núi có ác thú, yêu quái để cấm dân chúng vào núi. Hiện nay trên núi cũng có một đền thờ vua Gia Long, tức Nguyễn Ánh.
Chợ Tịnh Biên
Nằm ngay cửa khẩu biên giới với Campuchia, hàng hóa tại chợ rất phong phú và đa dạng. Các sạp bày bán đủ loại hàng hóa, quần áo, giày dép, mắt kính, đồ chơi…, hàng nội địa cũng như ngoại nhập, đa số từ Campuchia và Thái Lan, hoặc hàng xuất khẩu với giá rẻ hơn nhiều so với ở thành phố nhưng chất lượng rất đảm bảo. Du khách có thể tìm mua rất nhiều đặc sản địa phương như mắm cá linh, mắm thái, khô cá, khô rắn, khăn rằn…Ghé thăm vùng biên cương tây nam trù phú này của tổ quốc trên bước đường phiêu bạt cũng là một trải nghiệm khó quên với chúng tôi.
Có nhiều người từng nói rằng miền tây du lịch không có gì hấp dẫn, chán lắm, nhưng miền tây có một vẻ đẹp giản dị, hiền hòa và mộc mạc mà lữ khách phải cảm nhận và “có duyên” mới thấy được.
Theo Phan Lộc