Ra mắt smartphone Vsmart. Ảnh: Quý Hòa
Sau nhiều nỗ lực bất thành, smartphone Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở lại thị trường và ghi những dấu ấn mới.
Thị trường smartphone Việt trong vài năm gần đây có sự góp mặt của những thương hiệu như Asanzo, VNPT, Viettel, Mobiistar, BKAV và VinSmart. Tuy nhiên, cuối năm 2019, thương hiệu Mobiistar đã bất ngờ biến mất khỏi các chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam sau nhiều năm vật lộn trên thị trường giá rẻ. Các thương hiệu còn lại cũng dường như vắng bóng.
Bất ngờ Vsmart
Có quá nhiều rào cản đối với smartphone Việt Nam vì thị trường đã tiến vào giai đoạn bão hòa, tăng trưởng rất chậm so với các năm trước. Ngoài các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Apple, Nokia, thị trường ngày càng ngập tràn điện thoại Trung Quốc có cấu hình tốt với giá rất cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, chỉ còn VinSmart và BKAV vẫn đang nỗ lực lội ngược dòng. Thành công bất ngờ của dòng smarphone Vsmart khi lên top 3 với 16,7% thị phần sau 15 tháng ra mắt đã khiến thị trường có cái nhìn khác về tương lai của smartphone Việt.
Bất ngờ đến khi Vsmart giảm giá mạnh khiến nhiều smartphone cấu hình cao tiệm cận mức giá sản phẩm bình dân. Chỉ với chi phí hơn 3 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone được thiết kế cao cấp, thời trang, sử dụng màn hình AMOLED độ phân giải cao Full HD+, tích hợp bảo mật vân tay dưới màn hình như những dòng máy cao cấp có giá hàng chục triệu đồng, cấu hình mạnh với chip Snapdragon 675 kèm RAM 4/6GB.
Có thể thấy, chiến lược giúp VinSmart giành vị trí chính là đánh vào phân khúc smartphone bình dân, có giá từ 1-3 triệu đồng. Bởi vì trên thị trường, phân khúc dưới 5 triệu đang chiếm 70%, phân khúc dưới 3 triệu đồng chiếm 30%. Smartphone Vsmart đánh chiếm phân khúc dưới 2 triệu, đồng thời cũng chiếm tỉ trọng lớn ở phân khúc 2-3 triệu đồng.
Sau 3 lần ra mắt rầm rộ với khoản đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, CEO Nguyễn Tử Quảng của BKAV thừa nhận đang thua lỗ với Bphone, nhưng vẫn giữ tầm nhìn đưa Công ty trở thành “Apple hay Samsung của Việt Nam”. Đáng chú ý, với lần ra mắt thứ 4, Bphone dường như không còn muốn cạnh tranh ở phân khúc cao cấp mà chuyển hướng vào phân khúc tầm trung.
Tuy nhiên, khó khăn là phân khúc này hiện chiếm 20% thị phần, từ lâu nằm trong tay của Samsung, OPPO và Apple. Nhiều năm qua, Samsung đã dựa vào dòng A và dòng M để giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường smarphone trên toàn cầu. Do đó, Samsung đã không ngần ngại đưa vào các dòng tầm trung vô số công nghệ của các dòng flagship.
Lâu nay, ở phân khúc cao cấp, các dòng smartphone flagship chủ yếu là cuộc trình diễn so kè công nghệ giữa các thương hiệu, chứ không phải là cỗ máy kiếm tiền của các hãng.
Bên cạnh đó, theo thống kê của GfK, trong 7 tháng đầu năm 2019, 99% người dùng mua smartphone giá trên 15 triệu đồng đều chọn thương hiệu Samsung hoặc Apple vì sự quen thuộc. Năm 2019, người Việt tiêu thụ khoảng 15 triệu chiếc smartphone, trong đó các sản phẩm cao cấp có giá trên 10 triệu đồng chiếm chưa tới 10%.
Cuộc đấu ở phân khúc “siêu rẻ”
Có thể thấy, dư địa lớn của phân khúc tầm trung và bình dân là ngách thị trường phù hợp với smartphone Việt Nam. Tuy nhiên, cũng rất khó để theo đuổi smartphone giá rẻ vì các hãng phải ép chi phí và chấp nhận khoản lợi nhuận thấp. Đã có nhiều bài học thất bại khi đầu tư vào điện thoại phân khúc phổ thông. Q-Mobile, HKPhone, hay những cái tên như Masstel đều phải rút lui khỏi thị trường trước sức cạnh tranh khốc liệt của các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc.
Ông Trần Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinSmart, cho biết: “Mức tăng trưởng thị phần từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy VinSmart đang đi đúng hướng”. VinSmart và các smartphone Việt Nam có lý do để theo đuổi dòng smartphone giá rẻ khi chương trình phổ cập smartphone tới 100% dân số đã được công bố. Trong khuôn khổ chương trình này, nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng và nhà sản xuất sẽ cùng bắt tay trợ giá để đưa những chiếc smartphone Việt Nam xuống còn khoảng 20 USD, tức chưa tới 500.000 đồng.
VinSmart công bố sẽ hoàn thành nhà máy smartphone có công suất 125 triệu máy/năm. Ở quy mô này, VinSmart có đủ khả năng để phục vụ smartphone giá rẻ cho 90 triệu người Việt Nam. Vấn đề còn lại là cuộc chiến về giá. Vsmart có thể có những sản phẩm siêu rẻ khi sở hữu các yếu tố: ứng dụng của các công ty con của VinGroup như VinAI, VinID và VinConnect tham gia vào chương trình “các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng” để giảm giá smartphone. Đồng thời, khoản bù giá 10 USD sẽ đến từ các nhà mạng. Người dùng không đem lại lợi nhuận trực tiếp qua điện thoại mà là qua quảng cáo, qua game, qua thương mại điện tử, dịch vụ nhạc/video...
Bphone vẫn kiên trì trong thị trường smartphone với lợi thế về làm chủ công nghệ.
Đại diện BKAV cũng cho biết hiện tập đoàn này đã làm chủ được công nghệ lõi, do đó có thể tối ưu được giá thành cho những sản phẩm smartphone với giá khoảng 40-50 USD. “Khi đi vào sản xuất với số lượng lớn, cùng với sự trợ giá của các nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng... thì việc phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới 100% người dân là điều có thể thực hiện được”, đại diện BKAV nói.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, BKAV cũng vừa ký hợp tác với KaiOS Technologies để phát triển hệ điều hành cho dòng điện thoại mới. Dòng điện thoại này không mang thương hiệu Bphone, nhắm đến mục tiêu là phổ cập smartphone 4G tại Việt Nam. Sản phẩm sẽ được trợ giá từ nhà sản xuất và nhà mạng tham gia chương trình, do đó sẽ có mức giá “siêu rẻ”.
Xu hướng chuộng smartphone nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc 20 năm trước. Sau thời gian quen thuộc với các thương hiệu nước ngoài, người tiêu dùng lại quay về với các thương hiệu trong nước. Cùng với chiến lược phổ cập smartphone cho hàng chục triệu người dân, dường như smartphone “made in Vietnam” không còn cơ hội nào tốt hơn nữa.