Tan làm, Đỗ Linh (Thanh Xuân, Hà Nội), đi xe máy gần 10 cây số để cài phần mềm máy tính tại nhà cho khách, kiếm thêm 200 nghìn đồng.
"Đơn hàng" hôm đó của Linh là một máy tính Windows chạy chậm. Khách hàng là nữ, không am hiểu kỹ thuật, muốn cài lại máy để làm việc nhưng không muốn mang ra cửa hàng vì sợ mất thời gian. Cô tìm được liên hệ của Linh trên một nhóm hỗ trợ sự cố máy tính và chấp nhận trả giá cao để cài lại Windows tại nhà. Đây cũng là những khách hàng điển hình cho công việc của Linh - những người không am hiểu máy tính hoặc không có thời gian để tìm hiểu các sự cố.
Rời cơ quan, cởi đồng phục của công ty, chàng kỹ sư công nghệ thông tin tự nhận mình là một người "cài Win dạo". Công việc tay trái với lượng khách hàng không ổn định giúp anh kiếm thêm một vài triệu mỗi tháng.
Linh là một trong những người hiếm hoi còn theo nghề "cài Win dạo". Công việc này có từ thuở sơ khai khi máy tính bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm, "nghề" này vẫn còn tồn tại và được nhiều người làm IT coi là công việc làm thêm nhẹ nhàng, đủ kiếm thêm thu nhập mỗi tháng.
'Cài Win dạo' từng là nghề dễ kiếm tiền vào những năm 2000, thời kỳ máy tính bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý.
Việc nhẹ, lương 'bèo', nhiều rủi ro
Cụm từ "cài Win dạo" không rõ ra đời từ khi nào nhưng khá phổ biến vào đầu những năm 2000. Khi đó, hệ điều hành trên máy tính phổ biến là Windows XP, được cài từ những đĩa CD sao chép "lậu" và bán ở cửa hàng máy tính với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng.
"Nghề" này chẳng có trường nào dạy, nhưng "xã hội" đều ngầm hiểu là sinh viên hoặc kỹ sư công nghệ thông tin phải có kỹ năng này.
"Mỗi khi máy tính có vấn đề, người thân lại tìm đến mình nhờ sửa. Khi mình thành thạo thì trở thành một người 'cài Win dạo' đúng nghĩa. Đến bây giờ, mình vẫn còn nhớ 25 ký tự CDKey trên bộ đĩa cài Win", Trần Kiên, hiện là lãnh đạo trong một công ty công nghệ, nhớ lại ký ức cách đây gần 15 năm.
Theo anh Kiên, việc cài lại hệ điều hành không khó nhưng cần một số thao tác và kỹ năng mà chỉ người hiểu mới làm được. Thực tế, mọi việc đều được máy tính làm, người cài chỉ cần bấm "Next" vài lần rồi đợi. "Công việc đơn giản đến mức những người 'cài Win dạo' đôi khi phải 'biến' nó thành phức tạp hoặc 'bịa' ra vài lỗi để khách trả tiền mà không xót ruột", anh Kiên kể.
Công việc tưởng dễ nhưng lại không dành cho người "non" kinh nghiệm. Mỗi hãng máy tính có một phím riêng để mở Menu Boot (bước đầu của việc cài hệ điều hành), người cài Windows phải nắm được. Khi cài mà gặp sự cố, người này phải biết tra cứu, đọc tài liệu tiếng Anh để sửa lỗi. Người làm cũng không thể "tay không bắt giặc", mà cần chuẩn bị cả bộ công cụ, từ đĩa Windows, Office, Hiren boot... cho tới tua-vit, ổ cứng, kìm bấm dây mạng... để phục vụ khách có nhu cầu.
Rủi ro của nghề này phổ biến nhất là làm hỏng ổ cứng hoặc mất dữ liệu của khách. "Trước khi cài tôi đã hỏi khách là lưu dữ liệu quan trọng chưa. Khách bảo rồi, nhưng đến khi cài xong thì không thấy dữ liệu đâu. Hỏi ra mới biết họ lưu ở màn hình Desktop (vốn thuộc ổ C của máy) nên khi cài lại Windows, ổ này bị xóa hết. Cuối cùng lại hì hục khôi phục lại, chẳng được trả thêm tiền mà còn bị chê", Vũ Anh, một người từng làm nghề "cài Win dạo" chia sẻ. Anh gọi đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian làm nghề của mình. Vũ Anh đã "cày nát" chiếc laptop cá nhân để thử các kỹ năng mới trước khi áp dụng cho khách.
Gọi là "cài Win dạo", thực tế phần cài Windows chỉ là phần nhỏ của cả quá trình. "Windows hồi bấy giờ chưa có tính năng tự động tìm driver nên phải làm thủ công. Tốn nhiều thời gian nhất chính là ở khâu này. Chưa kể nhiều người còn nhờ vệ sinh máy tính, bẻ khóa phần mềm... đôi khi mất cả ngày", anh Trần Kiên kể.
"Tiền công" nhận được chỉ là 50 đến 100 nghìn đồng, đôi khi còn phải làm không công hoặc đổi bằng bữa cơm, nếu cài cho người thân. Tuy nhiên, vị kỹ sư an toàn thông tin này cho rằng đây là những kinh nghiệm quý báu giúp anh hiểu rõ hơn về máy tính và người dùng, đồng thời có thêm các mối quan hệ, thêm thu nhập trong quá trình sinh viên.
Khi đi làm, những người như anh Kiên dần bỏ nghề "cài Win dạo". Quãng thời gian hàng chục năm sau đó, thế giới công nghệ nhiều biến chuyển, xu hướng người dùng cũng khác xưa. Hệ điều hành của Microsoft giờ đây cũng đã phổ biến và dễ sử dụng hơn rất nhiều. Tuy vậy, nghề "cài Win dạo" vẫn không mất đi mà chỉ thay đổi cho phù hợp với thời cuộc.
"Cài Win dạo" ít dần nhưng chuyên nghiệp
Trước khi đến với con đường "cài Win dạo", Đỗ Linh làm vị trí "IT Helpdesk" của một công ty công nghệ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công việc thường ngày của anh là cài hệ điều hành và khắc phục sự cố máy tính trên hệ thống hàng trăm thiết bị của công ty.
Trước đây, "cài Win dạo" là việc làm thêm cho vui của giới sinh viên và kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng quan niệm này giờ đây đã thay đổi. "Sinh viên hiện nay có nhiều cách kiếm tiền tốt hơn là đi 'cài Win dạo', còn người dùng giờ đây chấp nhận bỏ tiền để nhận được dịch vụ tốt, thay vì nhờ vả cài Win như trước đây", Linh nói. Công việc IT Helpdesk của Linh không chỉ giúp anh trong chuyên môn mà còn là "cái mác" để nhiều khách hàng tin tưởng. "Cài Windows 10 đơn giản hơn xưa rất nhiều, thậm chí có thể cài từ xa. Tuy nhiên, khách hàng vẫn sẵn sàng trả hàng trăm nghìn để được hỗ trợ tại nhà", Linh nói.
Nguyễn Tiến, chuyên gia công nghệ đã theo dõi thị trường IT Việt Nam gần 20 năm, nhận định nghề "cài Win dạo" những năm gần đây không còn phổ biến nhưng sẽ không "chết" bởi nhu cầu luôn có.
Ba nguyên nhân khiến nghề này dần ít phổ biến, theo anh Tiến, đến từ việc thiết bị di động, thiết bị chạy hệ điều hành Mac ngày càng phổ biến khiến vai trò của máy tính Windows giảm. Hơn nữa, thói quen dùng phần mềm bản quyền tại Việt Nam đã tăng, người dùng bớt tìm đến các dịch vụ lậu. Ngoài ra, người dùng có xu hướng tìm đến các dịch vụ chuyên nghiệp nhiều hơn.
Cũng chính vì yêu cầu cao hơn về dịch vụ, một bộ phận khách hàng mong muốn được phục vụ tận nơi, chuyên nghiệp. Những người có dữ liệu cá nhân quan trọng không muốn bị lộ vẫn tìm đến các dịch vụ "cài Win dạo". Theo anh Tiến, "người Việt còn sử dụng hệ điều hành Windows, nghề 'cài Win dạo' còn đất sống", nhưng mọi thứ cần chuyên nghiệp và bài bản hơn rất nhiều so với 20 năm trước.