Theo báo Pháp Le Monde số ra ngày 16/2, hiếm khi bản đồ ngành dệt may thế giới lại có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ như trong năm 2015.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Nhiều nhân tố như sự tăng giá của đồng USD so với euro, giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh, nhiều thỏa thuận thương mại mới được ký kết, biến động của lương nhân công… đã làm thay đổi một cách sâu sắc hình thái phân bố của lĩnh vực công nghiệp này.
Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu hàng dệt may số một thế giới sang châu Âu, nhưng hiện nay, họ đang bị cạnh tranh dữ dội, không còn là nhà sản xuất có sức hấp dẫn lớn với những khách hàng đến từ phương Tây, đang có xu hướng chuyển sang các đối tác khác ở Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia hay Myanmar.
Một trong những nhân tố có tác động lớn nhất diễn ra năm 2015 là biến động tỷ giá của đồng USD, với mức tăng giá lên tới 20% so với đồng euro. Có thể thấy rất rõ ảnh hưởng của hiệu ứng này đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Giá nhập khẩu hàng dệt may chịu sức ép gia tăng, vì phần lớn sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, Bangladesh hay Campuchia đều được tính giá thành theo đồng USD. Do đó, xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc vào EU tăng tới gần 7% về giá trị, nhưng về số lượng lại giảm tới hơn 12% vì lý do tỷ giá.
Theo một cuộc điều tra do Viện thời trang Pháp (IFM) thực hiện vào cuối năm 2015, 64% doanh nghiệp phân phối nhận định biến động trên thị trường tiền tệ sẽ khiến giá cả sản phẩm quần áo bán lẻ tại các cửa hàng tăng lên vào năm 2016. Tương tự, 49% người trả lời thăm dò nói rằng vì lý do liên quan đến tỷ giá ngoại tệ, họ sẽ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm nay.
Tuy vậy, một cuộc thăm dò khác được chuyên gia người Pháp về nguồn cung cấp sản phẩm vải vóc và quần áo Anne-Laure Linget chủ trì dành riêng cho Triển lãm hàng may mặc Paris, diễn ra tại Bourrget (ngoại ô Paris, từ 15/2), lại khẳng định Trung Quốc vẫn duy trì được vị thế là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất vào châu Âu với kim ngạch ước tính 24 tỷ euro trong 10 tháng (từ tháng 1-10) của năm 2015, vượt xa các nước tiếp theo là Bangladesh (hơn 9 tỷ euro), Thổ Nhĩ Kỳ (gần 8 tỷ euro), Ấn Độ và Campuchia. Đồng USD tăng giá không gây ra bất kỳ hiệu ứng nào đối với Mỹ, do đó đây là thị trường duy nhất mà nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc không giảm sút về số lượng.
Biến động tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất gây ra những thay đổi sâu sắc trong dây chuyền cung ứng hàng dệt may. Giá dầu thế giới giảm mạnh đã làm cho giá các loại sợi tổng hợp, hiện chiếm 60% tiêu thụ sợi vải sử dụng trên toàn cầu, trở nên hấp dẫn hơn. Nhờ hiệu ứng domino, giá dầu thấp đẩy nhu cầu sợi cotton xuống, kéo theo giá của sản phẩm này cũng giảm theo.
Mười năm trở lại đây, chi phí nhân công trong lĩnh vực dệt may đã tăng rất nhanh, có khi tới 3,5, thậm chí 4 lần như tại Trung Quốc. Hiện trạng này giải thích cho việc các đơn đặt hàng lớn từ những tập đoàn hàng đầu thế giới như Zara, H&M, Gap, Uniqlo - chuyển hướng sang các nước châu Á khác như Campuchia, Việt Nam hay Bangladesh để tranh thủ tạo thêm lợi nhuận. Tại Campuchia, bị hấp dẫn bởi chi phí nhân công rất rẻ, giới công nghiệp từ Trung Quốc ( tính cả Hong Kong, Đài Loan) đã xây dựng rất nhiều nhà máy may mặc.
Các tập đoàn Trung Quốc này, cũng thực hiện chính sách tương tự đối với châu Phi, đã đầu tư tại đây để phục vụ cho các nhãn hiệu thời trang, quần áo Phương Tây đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc vì lý do giá thành quá cao tại vùng duyên hải phía Đông Trung Quốc.
Ông Jean-Francois Limantour, Chủ tịch Hiệp hội lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may vùng châu Âu-Địa Trung Hải (Cedith) cho rằng thị trường xuất khẩu vào châu Âu sắp tới sẽ xuất hiện “ba con rồng, có những hàm răng dài, háu ăn và sức sống rất mãnh liệt” là Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Trong vòng năm năm, tổng khối lượng hàng dệt may xuất khẩu thế giới đã tăng từ 222%, 226% rồi 445%... Trong ba đến bốn năm nữa, ba nước này sẽ phát triển rất nhanh nhờ các thỏa thuận ưu đãi thuế quan rất có lợi cho họ.
Việt Nam, hiện là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai vào Mỹ và thứ sáu vào châu Âu, đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại với EU hồi tháng 12/2015. Nhập khẩu vải vào Việt Nam không còn bị đánh thuế. Việt Nam có quyền xuất khẩu vào EU miễn thuế hải quan hoàn toàn trong 10 năm nữa. Campuchia và Myanmar còn được hưởng ưu đãi lớn hơn, thuộc gói miễn thuế “Tất cả ngoại trừ vũ khí," do đó có thể xuất khẩu với thuế suất bằng không vào EU, bất kể nguồn gốc vải sử dụng đến từ đâu.
Trong khi đó, một số nước Bắc Phi sẽ bị thua thiệt trước sự nổi lên của Đông Nam Á trên thị trường xuất khẩu dệt may. Tunisia và Maroc là hai nước bị thiệt lớn hơn cả khi xuất khẩu của họ vào EU đã giảm sút đáng kể trong năm ngoái. Vì lý do chính trị, Tunisia còn gặp phải một số khó khăn do khu vực chính của ngành công nghiệp dệt may của nước này lại tiếp giáp biên giới với Syria bất ổn./.
Theo Tiến Nhất / Vietnam+