Lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2020, theo kịch bản xấu nhất do các diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, được dự đoán sẽ giảm khoảng 18,1% so với năm 2018, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong các năm trước đây, Việt Nam từng nằm trong tốp mười quốc gia tiếp nhận nhiều kiều hối nhất hàng năm. Theo ước tính của World Bank, con số tương ứng trong các năm 2018 và 2019 mà Việt Nam nhận được là khoảng 16 và 16,7 tỉ đô la.
Kiều hối về Việt Nam sẽ giảm hơn 18% do Covid-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Trong khi đó, báo cáo tóm tắt mới của ADB về tình hình kiều hối năm 2020 dưới các diễn biến mới nhất của dịch bệnh, cho rằng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 đang đe dọa đến thị trường việc làm của khoảng 91 triệu người lao động nhập cư đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng lượng kiều hối chuyển về châu Á được dự báo sẽ giảm từ 31,4 tỉ đô la (kịch bản cơ sở) đến 54,3 tỉ đô la (trường hợp xấu nhất) trong năm 2020 này, tương ứng với 11,5% và 19,8% so với số liệu kiều hối cơ sở của năm 2018.
Kiều hối dự báo sẽ suy giảm tại nhiều quốc gia trong năm 2020. Đồ hoạ: ADB
Trong kịch bản xấu nhất, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, kiều hối từ nước ngoài chuyển về khu vực trong năm 2020 dự báo sẽ giảm khoảng 18,6% so với năm 2018. Philippines được cho là nước bị ảnh hưởng nghiêm trong nhất với lượng kiều hối suy giảm khoảng 20% trong khi tại các nước còn lại mức giảm rơi vào khoảng 15%.
Phân tích sâu hơn về sự sụt giảm kiều hối của khu vực châu Á trong năm 2020, ADB cho rằng trên kịch bản cơ sở phần lớn sự suy giảm sẽ đến từ thị trường Trung Đông, chiếm 53,7% với 16,8 tỉ đô la. Tiếp theo là lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về khu vực cũng giảm 30%, tương đương 8,8 tỉ đô la và sau đó là các thị trường lao động khác như Nga, khoảng 5% với 1,6 tỉ đô la.
Dưới kịch bản xấu nhất, sự suy giảm kiều hối từ các khu vực nói trên sẽ tăng theo cấp số nhân.
Theo ADB, có khả năng các nước sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi mở cửa biên giới cho lao động nước ngoài trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, ngay cả khi nhiều nước trước mắt đã kiểm soát được phần nào tình hình dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, ngay cả khi các hạn chế biên giới được dỡ bỏ, nhiều khả năng việc làm sẽ được ưu tiên cho cư dân và công dân của nước sở tại, hơn là cho lao động nước ngoài.
Trước ADB, World Bank trong tháng 4 vừa qua cũng đưa ra dự báo lượng kiều hối toàn cầu trong năm 2019 sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoat động bị đình trệ. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư, đây là nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại.
Dòng kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỉ đô la, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.