Điều tra PCI-FDI 2016 cho thấy, niềm tin vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vẫn được duy trì.
Cụ thể, các nhà đầu tư lạc quan hơn giai đoạn 2012-2013, song vẫn chưa đạt mức cao như năm 2010.
Đây là ý kiến phản hồi từ 1.550 doanh nghiệp FDI, đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam, nơi tập trung số lượng các doanh nghiệp FDI nhiều nhất theo Tổng cục Thống kê.
Lý do thuyết phục các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam là những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. Điều này cũng có nghĩa là các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam trong hai năm tới sẽ tiếp cận với môi trường thân thiện hơn nhiều so với trước đây.
Năm nay, PCI –FDI có phát hiện mới thú vị, đó là sự xuất hiện của gần 6% doanh nghiệp đăng ký hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trong nước.
Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động dưới dạng doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu tăng lên theo thời gian. Lý do là Luật Đầu tư năm 2014 có quy định các dự án có vốn FDI trong đó nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ sẽ không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đây là thông tin cần được các cơ quan hoạch định chính sách phân tích thêm, vì xem xét tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài được đối xử như doanh nghiệp trong nước để có thể đánh giá tác động của thủ tục đầu tư mới này.
“Khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tận dụng lợi ích của các thủ tục mới để thâu tóm và sáp nhập với các doanh nghiệp trong nước hoạt động thành công, chúng tôi cho rằng tỷ lệ loại hình này sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI VIệt Nam chia sẻ nhận định.
Bên cạnh đó, hơn 89% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát PCI là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tăng so với con số 87% của năm 2015. Loại hình doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm 7%.
Tương tự như kết quả điều tra PCI-FDI các năm trước, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và hoạt động trong những ngành có có mức lãi biên tương đối thấp.
Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ chủ yếu nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Khánh Linh / baodautu