Tăng trưởng kinh tế chậm lại, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, và việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung khiến cho cuộc sống của người dân nông thôn đang khó khăn hơn, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Hàng Việt bình ổn thị trường. Ảnh: Uyên Viễn
Trong 2-3 năm qua, trong khi thị trường hàng tiêu dùng nhanh (Fast-moving consumer goods - FMCG) tại khu vực thành thị liên tiếp sụt giảm thì thị trường nông thôn vẫn tăng trưởng khoảng 10%, tuy nhiên, tình hình đã thay đổi.
Tiêu dùng tại nông thôn sụt giảm
Theo báo cáo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường FMCG ở thành thị (chỉ xét bốn thành phố là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) trong quí 1-2016 có tăng nhẹ so với quí 4-2015. Tuy nhiên, thị trường nông thôn lại giảm mạnh so với quí 4-2015 về giá trị cũng như khối lượng tiêu dùng. Đây là lần giảm đầu tiên trong ba năm qua.
Trong đó, ngành hàng sữa, sản phẩm từ sữa và ngành hàng thức uống đóng góp chính cho tăng trưởng ở thành thị. Ở nông thôn, khối lượng tiêu dùng giảm ở hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình lần lượt giảm 6% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Kantar Worldpanel Việt Nam, trong vòng một năm qua (tính từ tháng 4-2015 đến hết tháng 3-2016), thị trường FMCG tại thành thị tăng trưởng ổn định ở mức 3,1% (so với mức 2,6% của năm trước), tuy nhiên, ở khu vực nông thôn thì tăng trưởng chậm lại, đạt mức 5,7% (so với mức tăng 9,7% của năm ngoái). Kantar Worldpanel dự báo tăng trưởng FMCG ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn sẽ gần ngang bằng nhau trong năm nay, đạt mức 5-6%.
Ông Hoàng trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng GDP đầu quí 1 năm nay đạt 5,46%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này đánh dấu một khởi đầu không chắc chắn cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%. Thêm vào đó, chỉ số CPI tăng nhẹ trong các tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu lạm phát có thể quay trở lại.
“Tình hình kinh tế các quí tiếp theo nhìn chung sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các vụ việc nghiêm trọng gần đây, cụ thể là tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài ở các tỉnh miền Tây hạ nguồn sông Mêkông, và tình trạng các loại cá và hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung... Như vậy, dự báo GDP Việt Nam năm nay có thể chỉ đạt tăng trưởng ở mức 6%. Trước tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại, đặc biệt khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nhiều, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng của ngành FMCG cho cả hai khu vực thành thị (bốn thành phố chính) và nông thôn năm nay sẽ như nhau và cùng ở mức 5-6%, tương ứng với mức tăng trưởng GDP dự báo năm 2016”, ông Hoàng nói.
Vẫn là thị trường tiềm năng
Theo đại diện Công ty cổ phần Bột giặt Lix, thị trường nông thôn khó khăn có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân chủ yếu cắt giảm chi tiêu cho mua sắm đồ dùng, quần áo..., trong khi các sản phẩm của công ty này chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, như rửa chén, giặt giũ... nên tác động không lớn.
Vị này cho biết thêm, hiện Lix có nhà phân phối ở các khu vực trên cả nước, và tùy mỗi tỉnh thành mà mỗi sản phẩm của Lix (bột giặt, nước rửa chén, nước giặt, nước xả vải, nước lau sàn, javel...) có độ phủ riêng. Chẳng hạn tại thị trường miền Tây thì sản phẩm bột giặt của công ty được sử dụng nhiều...
Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, mặc dù ngành hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng giấy tiêu dùng - sản phẩm chủ lực của Giấy Sài Gòn) ít bị ảnh hưởng, nhưng các chỉ tiêu kinh doanh trong kế hoạch 2016 của công ty đều giảm so với năm ngoái và công ty đang phải nỗ lực nhiều vì sức mua yếu, trong đó sức mua của thị trường nông thôn cũng sụt giảm trước những khó khăn do các sự cố môi trường: hạn hán, nhiễm mặn, cá chết hàng loạt...
Ngoài ra, ông Vị cho rằng tình hình tiêu thụ sụt giảm chung như hiện nay cũng một phần do yếu tố tâm lý, và dự báo có thể ổn định trở lại vào quí 4-2016 đối với ngành hàng giấy tiêu dùng.
Chia sẻ về việc thâm nhập thị trường nông thôn, ông Vị cho biết kinh doanh ở thị trường nông thôn rất khó khăn, vất vả, tốn kém và đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì đây là thị trường đặt nặng mối quan tâm về giá trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo về chất lượng và uy tín thương hiệu. Tuy vậy, trong tương lai, đây vẫn là thị trường tiềm năng vì sức mua còn tăng trưởng, dù trước mắt đang bị chậm lại.
Thu Nguyệt / thesaigontimes.vn